Truyền hình Quốc hội Việt Nam thật sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân
Chiều 5/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ kỷ niệm 7 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (6/1/2015-6/1/2022) và ra mắt Hệ sinh thái số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện quan trọng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của một kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, không ngừng đổi mới, phát triển cả về “chất” và “lượng”, thực sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, Truyền hình Quốc hội tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với công tác báo chí, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tạo sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện.
Theo đó, chú trọng đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm tỷ lệ 70% tổng thời lượng phát sóng 1 ngày. Xác định sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi để trở thành kênh thiết yếu với cử tri, nhân dân trên cơ sở nâng cao chất lượng con người và công nghệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Truyền hình Quốc hội cần đề cao sự “chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên sâu, có tâm với sản phẩm, thông điệp truyền tải, xác định việc gì có lợi cho quốc kế dân sinh thì làm”.
Đánh giá cao bước trưởng thành của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử tới cử tri và khán giả truyền hình cả nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Qua những khó khăn ban đầu sau khi thành lập khi còn đang là một kênh truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, đến nay Truyền hình Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của 1 cơ quan truyền thông đặc thù về các hoạt động của Quốc hội.
Theo báo cáo, ngoài việc thông tin kịp thời các hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong các Bản tin Thời sự, một số chương trình chuyên đề của Truyền hình Quốc hội Việt Nam được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận đánh giá cao.
Trong 7 năm qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công hàng trăm cuộc truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đây thực sự là cầu nối quan trọng để cử tri hiểu và biết về các hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã thực hiện tuyên truyền hiệu quả, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ trước đến nay, cho dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp vào thời điểm đó.
Trong thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có sự đóng góp tích cực trong tuyên truyền của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Đề cập trong bối cảnh khó khăn năm qua, Quốc hội vẫn tổ chức hết sức thành công Kỳ họp thứ nhất, Kỳ họp thứ hai và tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, để lại rất nhiều dấu ấn của một “Quốc hội hành động, Quốc hội đổi mới, Quốc hội kiến tạo để phát triển”; Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã bám sát được tinh thần này của Quốc hội, tuyên truyền đúng định hướng, trung thực, khách quan về hoạt động và đổi mới của Quốc hội khóa XV, nêu bật được sự “chủ động, từ sớm, từ xa” của Quốc hội.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức ra mắt Hệ sinh thái số là một chủ trương đúng, một chiến lược bắt buộc phải triển khai trong bối cảnh tiến bộ như vũ bão của công nghệ hiện nay.
Theo đó, các cơ quan báo chí, trong đó có Truyền hình Quốc hội Việt Nam, phải tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ giúp cho các cơ quan báo chí hiện đại hóa quá trình sản xuất, tối ưu chi phí, mà còn có thể tiếp cận trực tiếp tới độc giả, khán giả truyền hình cả nước. Đây cũng là cơ sở để Truyền hình Quốc hội Việt Nam phục vụ tốt hơn khán giả và cử tri cả nước.
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần phải thực sự chuyên tâm với công việc, với thông tin và sản phẩm truyền hình của mình; chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp vì Quốc hội đã chuyên nghiệp rồi thì phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng phải chuyên nghiệp; trên cơ sở xây dựng được Quy chế hoạt động, vị trí việc làm của các bộ phận và cá nhân trong cơ quan. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tính chuyên sâu, thể hiện rõ nét hơn nữa đặc thù của cơ quan truyền thông của Quốc hội.
Tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết: Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định mục tiêu, muốn phục vụ tốt cử tri và khán giả truyền hình cả nước, trước hết phải trở thành một Đài truyền hình mạnh, nội dung hấp dẫn, chương trình phong phú.
Theo đó, khung chương trình mới năm 2022 sẽ được thiết kế để các chương trình bảo đảm vừa có tính chính luận, vừa gần gũi với khán giả truyền hình cả nước với các tin tức dân sinh, cập nhật kịp thời dòng chảy tin tức sôi động của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới.
“Việc đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, format các Bản tin Thời sự trong ngày sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Khung chương trình mới 2022 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam”. Ông Lê Quang Minh cũng cho rằng những nội dung mới được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho một kênh truyền hình chính luận đáp ứng nhu cầu thông tin vừa nhanh, vừa sâu của khán giả truyền hình hiện đại.
Ý kiến ()