Truy xuất nguồn gốc thuốc theo xu hướng “4.0”
Với số lượng 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên cả nước hiện nay, để bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, Bộ Y tế đã pháp quy hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động phân phối thuốc.
Giải pháp để truy xuất nguốn gốc thuốc
Bộ Y tế bắt đầu triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn thông qua việc nối mạng giữa các nhà thuốc.
Mục tiêu của Đề án hướng tới là tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính, có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc. Các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình cụ thể: Đối với nhà thuốc, đến 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Đối với quầy thuốc, đến 1/1/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng để bảo đảm các yêu cầu như với nhà thuốc. Đối với tủ thuốc trạm y tế xã, đến 1/1/2021 phải có thiết bị và kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
Hiện, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm ứng CNTT đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh gồm: Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định và Vĩnh Phúc. Dự kiến, từ năm 2018 – 2020, Bộ Y tế sẽ mở rộng Đề án trên quy mô toàn quốc.
Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, triển khai Đề án này sẽ bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn đang diễn ra tràn lan trên cả nước hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, việc ứng dụng CNTT, kết nối mạng đối với các nhà thuốc bước đầu có thể gặp một số khó khăn. Các cơ sở phải kết nối mạng, nhân sự phải được đào tạo, tập huấn, vì vậy, sẽ phát sinh chi phí nên sẽ có cơ sở bán thuốc thiếu thiện chí.
“Để triển khai thành công ứng dụng CNTT với các nhà thuốc, các cấp, các ngành liên quan cùng chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, để họ yên tâm và phối hợp thực hiện. Như vậy, mục tiêu kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm 2018”, lãnh đạo Cục Quản lý dược khẳng định.
Những thuốc nào cần kê đơn?
Ông Vũ Tuấn Cường cho biết, để phân biệt thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, mới đây, Bộ Y tế đã quy định cụ thể cách ghi nhãn thuốc đối với thuốc kê đơn.
Theo đó, thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Để phân biệt được thuốc nào là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã quy định cụ thể cách ghi nhãn thuốc đối với thuốc kê đơn.
Cụ thể, trên nhãn bao bì ngoài phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc và dòng chữ “Thuốc kê đơn”. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc: phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc, ghi dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc”.
Ông Vũ Tuấn Cường cũng nhấn mạnh, quy định các nhà thuốc phải triển khai ứng dụng CNTT và kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy, nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm và sẽ bị xử lý.
Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, “Bộ Y tế sẽ rà soát, bổ sung những hành vi vi phạm trong việc không chấp hành triển khai CNTT, kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe. Có thể, ngoài xử phạt hành chính, sẽ bổ sung hình thức xử phạt như tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược”, lãnh đạo Cục Quản lý dược nói.
Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường…
Theo Bộ Y tế, kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Doanh thu từ thuốc kháng sinh chiếm 13,4% ở thành thị và 18,7% ở nông thôn.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở lên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, thậm chí dẫn tới tình trạng không có thuốc điều trị.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()