Truy tố 254 bị can trong sai phạm tại Cục Đăng kiểm và các đơn vị liên quan
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Tòa án Nhân dân Thành phố xét xử 254 bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tại một số địa phương.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án Nhân dân Thành phố xét xử 254 bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm tại Thành phố và một số địa phương.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố truy tố các bị can với các tội danh như: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Giả mạo trong công tác,” “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng, cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật,” “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác,” “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,” “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Trong số đó, bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụl;” Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cùng 132 đồng phạm bị truy tố về tội “Nhận hối lộ.”
Quá trình điều tra xác định đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa xảy ra trong thời gian dài mang tính hệ thống.
Hành vi sai phạm diễn ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, phòng kiểm định xe cơ giới, phòng tàu sông tại một số địa phương.
Các bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm, các phòng, trung tâm, chi cục đăng kiểm tại một số địa phương đã đưa ra chủ trương, thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, các nhân viên làm việc ở các trung tâm, chi cục nhận tiền từ các chủ phương tiện phải đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế, cần được cấp thông báo năng lực xưởng... để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường...
Hành vi đưa hối lộ đấu thầu khi cung cấp các dây chuyền kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm, bỏ qua những thủ tục, yêu cầu khi thực hiện đấu thầu, nhằm được thắng thầu trái quy định pháp luật do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nét thực hiện, liên quan đến một trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và 2 trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Yên Bái và Quảng Bình, các trung tâm tại tỉnh thành khác, được tách ra giải quyết xử lý theo thẩm quyền.
Trong số 254 bị can bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố, có nhiều người là lãnh đạo chủ chốt đầu ngành như Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; nhiều bị can là trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm; nhiều bị can có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị can được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủy nội địa nhưng vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Với vai trò chỉ đạo của Đặng Việt Hà, các bị can là lãnh đạo các phòng, giám đốc các trung tâm, cùng hàng loạt hành vi sai phạm của các bị can khác trong vụ án, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến trật tự quản lý xã hội.
Trong số đó, Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (giai đoạn trước tháng 8/2021) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ hơn 7,1 tỷ đồng; Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022), chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ hơn 40,2 tỷ đồng.
Đến nay, các bị can trong vụ án đã tự nguyện giao nộp lại 46 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (trong đó giao nộp trong giai đoạn truy tố hơn 7,8 tỷ đồng) và 113.000 USD.
Vụ án có số lượng hồ sơ lên tới hơn 286.000 bút lục và sự tham gia bào chữa của hơn 200 luật sư./.
Ý kiến ()