Truy tìm nguyên nhân thâm hụt thương mại
Hiện đang tồn tại hai cách lý giải về nguyên nhân gây thâm hụt thương mại trong suốt một thời gian dài. Một là hậu quả của đầu tư tăng trưởng nhanh chóng, vượt xa tiết kiệm trong nước. Hai là do sự biến dạng cấu trúc nền kinh tế. Điều này cản trở việc đổi mới chính sách thương mại.
NDĐT – Hiện đang tồn tại hai cách lý giải về nguyên nhân gây thâm hụt thương mại trong suốt một thời gian dài. Một là hậu quả của đầu tư tăng trưởng nhanh chóng, vượt xa tiết kiệm trong nước. Hai là do sự biến dạng cấu trúc nền kinh tế. Điều này cản trở việc đổi mới chính sách thương mại.
Giảm thâm hụt – học từ khu vực FDI
Sau nhiều năm nền kinh tế Việt Nam hội nhập thế giới, lĩnh vực thương mại đã có những chuyển biến tích cực, song cũng lộ rõ nhiều thách thức, như khả năng cạnh tranh xuất khẩu và chuyển hóa nhập khẩu thành năng lực sản xuất trong nước vẫn thấp… Điều thấy rõ nhất là nền kinh tế đã phải trải qua sự thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng trong thời gian dài. Các chuyên gia kinh tế trong nước đã có nhiều kiến giải khác nhau, song tựu trung có cùng quan điểm thâm hụt thương mại của tổng thể nền kinh tế nhưng nếu so sánh với riêng khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) lại thặng dư.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2007 cán cân thương mại thâm hụt là 14,2 tỷ USD, nhưng khu vực FDI lại thặng dư 6,57 tỷ USD; năm 2008 thâm hụt thương mại là 18 tỷ USD, trong khi khu vực FDI lại thặng dư 6,64 tỷ USD; năm 2009 cán cân thâm hụt là 12,2 tỷ USD nhưng khu vực FDI lại thặng dư 4,98 tỷ USD; và năm 2010 cán cân thương mại thâm hụt là 12,4 tỷ USD trong khi khu vực FDI lại thặng dư 2,35 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng là khu vực FDI đã có những chiến lược đúng đắn. Ngược lại, chính sách của khu vực trong nước đã có rất nhiều hạn chế, cần sớm thay đổi.
Lý giải về kết quả này, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) tiếp tục tăng trong giai đoạn đầu gia nhập WTO 2007-2008, chỉ giảm vào năm 2009 trước khi tăng trở lại từ năm 2010. Nhưng ông Nguyễn Anh Dương chỉ rõ: Tăng trưởng XK chủ yếu do tăng trưởng thương mại toàn cầu, tự do hóa và cải thiện khả năng cạnh tranh, trong khi việc gia nhập WTO không có tác động đáng kể đến tăng trưởng XK, nghĩa là giá hàng hóa sản xuất hàng hóa trong nước không giảm khi nhập hàng ngoại nhập vào nội địa, do hàng XK vẫn chủ yếu dựa nhiều vào nguyên liệu NK luôn ẩn chưa những bất ổn.
Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng: “Hiệu quả từ thương mại sẽ tăng trong dài hạn nếu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp tạo nền tảng cho tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm hoặc hướng XK”. Đây là điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nền công nghiệp phụ trợ thực sự.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng: “chính sách thương mại đang trở nên lạc hậu vì thương mại hiện nay không còn là lĩnh vực thuần túy kinh tế, mà đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn của các yếu tố địa chính trị. Chính ở đây, quan hệ quốc gia, đối tác cần được nhận diện đầy đủ hơn”. Theo ông Dương, đổi mới chính sách thương mại là hết sức cần thiết cho phù hợp với tình hình, song cần bảo đảm tính minh bạch và dễ tiên liệu, đồng thời tiếp tục khắc phục những tồn tại trong xây dựng và thực thi chính sách thương mại.
Hoạt động XNK cũng cần phải gắn liền với hoạt động thương mại trong nước, thông qua việc tổ chức lại các DN và thị trường trong các lĩnh vực liên kết dịch vụ giữa XNK và thương mại trong nước. Chính sách thương mại phải hài hòa và thống nhất với các chính sách khác, đồng thời kết hợp với cải cách trong nước sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Trong khi chúng ta cũng cần lưu ý rủi ro tài chính và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, chính sách thương mại cần đổi mới theo hướng coi trọng hơn vấn đề ngành hàng, chuỗi giá trị, trong đó đặc biệt là phải “Lấy người tiêu dùng làm trung tâm và củng cố niềm tin người tiêu dùng”. Ngoài ra chúng ta cần tăng năng lực thể chế để thiết kế và thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết một cách hợp pháp, tinh tế, và khoa học trong phạm vi các cam kết hội nhập; Đồng thời, xét lại cơ cấu thuế XNK đối với các mặt hàng đầu vào – đầu ra theo tư duy liên ngành, cùng với thành lập liên minh ngành hàng chiến lược. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế quản lý XNK theo hướng tăng GTGT của hàng XK, hạn chế xuất thô. Đồng thời, thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở bảo quản chế biến, bảo đảm sản xuất và tiêu thụ ổn định các mặt hàng chính là nông sản, thủy sản.
Ông Nguyễn Anh Dương cũng lưu ý: “mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ trong nước đang giảm dần trong những năm gần đây, do tăng trưởng kinh tế chậm và khó khăn trong việc mở rộng quy mô bán lẻ”. Vì vậy, Chúng ta cần tái cơ cấu các thị trường bán lẻ trong nước, nhằm thiết lập thị trường cạnh tranh, hiệu quả hơn.
Chuyên gia Nguyễn Anh Dương cho rằng, cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thời gian qua đã cho thấy thị trường nông thôn là rất lớn và nhiều tiềm năng. Từ năm 2009, thị trường trong nước giữ vai trò là “điểm tựa” duy trì và phục hồi sản xuất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả này một phần là do sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp phân phối trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh, tập trung hơn vào thị trường trong nước sau khi hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng quan điểm này, TS.Vũ Quốc Huy cho rằng, kinh nghiệm của khu vực nước ngoài (FDI) liên quan tới những đóng góp của nó đối với vị trí cán cân thương mại sẽ các nhà hoạch định chính sách “những bài học giá trị về tầm quan trọng của sức cạnh tranh và các mối liên kết sản xuất xuyên quốc gia đối với việc cải thiện vị trí cán cân thương mại của Việt Nam”.
TS.Vũ Quốc Huy phân tích, hoạt động thương mại đã dịch chuyển từ liên ngành sang đa ngành, với tốc độ tăng trưởng nhanh của phân mảng sản xuất thương mại quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực bộ phận và linh kiện điện tử. Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu khu vực FDI đều tăng, nhưng vị trí cán cân thương mại vẫn được cải thiện. Điều này cho thấy nếu Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào các mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, sức cạnh tranh và vị trí cán cân thương mại có thể được cải thiện.
Mặt khác, nếu chúng ta nhìn vào các ngành thành phần của cán cân thương mại, “chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các hàng hóa sản xuất, máy móc thiết bị và các thiết bị vận chuyển đều là những mặt hàng nhập khẩu ròng, trong khi các sản phẩm chính và lương thực thực phẩm và là các mặt hàng xuất khẩu ròng. Tình hình này có thể phản ánh đặc điểm cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam với cơ sở sản xuất kém phát triển và không có tính cạnh tranh”. Cùng lúc đó, TS.Vũ Quốc Huy thêm, nền kinh tế có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, cho nên nhu cầu nhập khẩu cho các loại máy móc và nguyên liệu nhất định vẫn duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian tương đối dài. Trong bối cảnh này, “điều mà Việt Nam cần không phải là theo đuổi một chiến lược thay thế nhập khẩu, mà là sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước và phát triển cơ sở sản xuất dựa trên cơ sở thương mại. Thất bại của các tập đoàn nhà nước hoặc các nhóm kinh doanh trong việc xây dựng một cơ sở sản xuất có tính cạnh tranh, mặc dù phụ thuộc nặng nề vào trợ cấp và đầu tư của nhà nước, là một bài học tốt đối chính sách của các ngành kinh tế của Chính phủ”, TS.Vũ Quốc Huy nói.
Một bài toán, hai cách giải
Tóm lược ngắn gọn về nguyên nhân gây thâm hụt thương mại trong suốt một thời gian dài, có thể được chia làm hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên nhìn nhận rằng thâm hụt thương mại lớn bắt nguồn chủ yếu từ những điều kiện kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, cùng những yếu tố bên ngoài khác. Thâm hụt thương mại là hậu quả của đầu tư tăng trưởng nhanh chóng, vượt xa tiết kiệm trong nước. Các chuyên gia Nguyễn Thị Hà Trang và Bùi Tất Thắng nhìn nhận sự mất cân đối tiết kiệm – đầu tư ở Việt Nam trong nhiều năm như một nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô lớn ở Việt Nam, bao gồm cả thâm hụt thương mại. Do đó, thâm hụt thương mại có thể được giảm nhờ các chính sách giải quyết vấn đề đầu tư quá mức. Cùng quan điểm, chuyên gia Tô Trung Thành nhìn nhận thêm: “việc mở cửa nền kinh tế, giảm các hàng rào thương mại và đầu tư, bao gồm việc thực hiện BTA và việc Việt Nam gia nhập WTO như một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần vào tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng tăng”.
Một cách giải thích khác là thâm hụt thương mại ở Việt Nam là hậu quả của sự biến dang cấu trúc nền kinh tế. Ngoài việc nhập khẩu vốn hàng hóa, ngành xuất khẩu ở Việt Nam phụ thuộc quá nhiều và nguyên liệu nhập khẩu và đầu vào trung gian để sản xuất và lắp ráp hàng xuất khẩu. Hệ quả là, các ngành xuất khẩu có đặc điểm là phụ thuộc rất nhiều nhập khẩu và giá trị gia tăng trong nước thấp. Tiếp đó là hậu quả từ thất bại của các ngành xuất khẩu trong việc chuyển lên chuỗi giá trị và đa dạng hóa nhằm thoát khỏi tình trạng xuất khẩu với giá thành thấp, kỹ năng hạn chế, và dựa vào sản xuất hàng loạt và khối lượng hàng hóa. Theo quan điểm này, việc giải quyết thâm hụt thương mại ở Việt Nam đòi hỏi những cuộc cải cách cấu trúc sâu hơn.
Trong khi tình trạng thâm hụt thương mại mà Việt Nam đang phải đối mặt trong nhiều thập kỷ thực sự là một vấn đề đáng lo ngại, các cơ quan chính phủ và dư luận vẫn chưa có những quan điểm chung về nguyên nhân và cách giải quyết cho vấn đề này. Những hiểu biết hiện hành về thâm hụt thương mại như một điều gì đó Việt Nam phải chấp nhận trong một thời gian dài, một mặt bởi mức phát triển thấp, hoặc do hành vi chi tiêu quá mức cho các mặt hàng xa xỉ của người dân và những “bộ phận lao động không lành mạnh” giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực, hiện vẫn chưa tìm thấy bất kỳ sự hỗ trợ lý thuyết hay thực nghiệm.
Quan niệm sai lầm này có thể dẫn đến những chính sách ứng phó sai lầm, chẳng hạn như sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ, áp đặt quản lý ngoại hối đối với hàng nhập khẩu, hoặc thích ứng với một kiểu nhập khẩu thay thế nhân danh “công nghiệp phụ trợ”. Điều này cũng sẽ đánh lạc hướng sự chú ý tới việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản của thâm hụt thương mại ở Việt Nam, những hậu quả của nó đối với vị trí cán cân thanh toán của Việt Nam và quan điểm lâu dài trong tương lai về tăng trưởng kinh tế. Sử dụng đầu tư công hiệu quả hơn, áp dụng một chế độ tỷ giá hối đoái dựa vào thị trường, thực hiện biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh xuất khẩu, là những biện pháp chính không những giúp Việt Nam giải quyết thâm hụt thương mại mà còn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến sức mạnh và tính ổn định của cả nền kinh tế.
Nhandan
Ý kiến ()