Truy thu vào ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng tiền thuế
Bộ Tài chính ngày 27-6 công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và thuế đối với bảy mặt hàng thiết yếu tại 21 doanh nghiệp (DN).Theo kết quả kiểm tra, trong bốn tháng đầu năm 2011, có 6/7 mặt hàng được kiểm tra tăng giá so với thời điểm ngày 31-12-2010, trong đó, tăng giá cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học, tăng khoảng 25%; tăng giá thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1,05% đến 2,56%; một mặt hàng giảm giá là đường ăn. Chỉ trong vòng bốn tháng, nhiều DN đã điều chỉnh tăng giá sản phẩm nhiều lần. Đơn cử như với mặt hàng khí hóa lỏng, DN tăng giá năm lần, với mức tăng từ 4,55% đến 11,92% tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phân bón hóa học tăng giá năm lần, với mức tăng khoảng 25%; thép xây dựng tăng giá từ bốn đến sáu lần, với mức tăng trung bình từ 14% đến 14,2%... Việc tăng giá này chủ yếu do ảnh hưởng biến động của giá xăng, dầu, điện, tỷ giá ngoại tệ, dẫn...
Theo kết quả kiểm tra, trong bốn tháng đầu năm 2011, có 6/7 mặt hàng được kiểm tra tăng giá so với thời điểm ngày 31-12-2010, trong đó, tăng giá cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học, tăng khoảng 25%; tăng giá thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1,05% đến 2,56%; một mặt hàng giảm giá là đường ăn. Chỉ trong vòng bốn tháng, nhiều DN đã điều chỉnh tăng giá sản phẩm nhiều lần. Đơn cử như với mặt hàng khí hóa lỏng, DN tăng giá năm lần, với mức tăng từ 4,55% đến 11,92% tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phân bón hóa học tăng giá năm lần, với mức tăng khoảng 25%; thép xây dựng tăng giá từ bốn đến sáu lần, với mức tăng trung bình từ 14% đến 14,2%… Việc tăng giá này chủ yếu do ảnh hưởng biến động của giá xăng, dầu, điện, tỷ giá ngoại tệ, dẫn đến bảy mặt hàng thiết yếu bị tăng chi phí đầu vào, từ đó phải tăng giá bán sản phẩm.
Tại 21 DN được kiểm tra, có 15/21 DN điều chỉnh giá bán phù hợp việc tăng chi phí đầu vào tương ứng. Tuy nhiên, có 4/21 DN điều chỉnh tăng giá bán cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng là Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, tăng giá bán bình quân 171.637 đồng/tấn, tương đương 18,22%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1% so với giá thành năm 2010. Công ty cổ phần Xi-măng Hoàng Mai tăng giá bán bình quân 163.636 đồng/tấn, tương đương 18,95%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 16,3% so với giá thành năm 2010. Công ty cổ phần Việt Pháp tăng giá bán thức ăn gia súc 860.000 đồng/tấn, tương đương 8,25%, trong khi đó, chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 509.910 đồng/tấn, tương đương 6,49%. Mặt hàng phân U-rê Phú Mỹ của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí tăng 1.600.000 đồng/tấn, tương đương 25%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 9,25% so với giá thành năm 2010.
Đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tháng tuổi, thanh tra Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra hai DN là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Hai DN này trong bốn tháng đầu năm đều điều chỉnh tăng giá bán một lần, với mức tăng trung bình từ 8% đến 11,5% do tỷ giá ngoại tệ tăng làm ảnh hưởng giá nhập khẩu, chi phí tài chính, kinh doanh… Việc tăng giá điện, xăng, dầu ảnh hưởng không lớn đến việc tăng chi phí kinh doanh của hai DN này do chi phí tiền điện, vận chuyển chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, các chi phí khác như tiền lương, chi phí quảng cáo, tiếp thị lớn… đã dẫn đến giá bán sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi vẫn ở mức cao. Năm 2010, hai công ty hạch toán nhiều khoản chi vượt mức như chi phí quảng cáo, tiếp thị…, nếu thực hiện giảm những khoản chi vượt mức này thì giá bán sản phẩm sẽ thấp hơn. Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam chi vượt hơn 114 tỷ đồng, chiếm 14,6% trên tổng chi phí kinh doanh. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chi vượt hơn 181 tỷ đồng, trong đó mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi là hơn 8,5 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng chi phí kinh doanh. Hai công ty này cũng chưa thực hiện việc kê khai, niêm yết giá do các công ty đều nhập khẩu các sản phẩm sữa vào Việt Nam và chỉ thực hiện bán hàng cho nhà phân phối, không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Việc bán hàng và giá bán trên thị trường đến người tiêu dùng hoàn toàn do nhà phân phối độc lập thực hiện, công ty chỉ đưa ra giá khuyến nghị cho nhà phân phối bán ra tại các cửa hàng bán lẻ.
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các DN vẫn chưa được chấp hành đầy đủ. Kết quả kiểm tra cho thấy, các DN kinh doanh khí hóa lỏng chưa thực hiện đăng ký giá đầy đủ như: chưa thực hiện đăng ký đầy đủ các mặt hàng mà công ty thực bán; đăng ký giá bán cho đơn vị sản phẩm chưa rõ ràng.
Bên cạnh việc kiểm tra về giá, thanh tra Bộ Tài chính cũng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế. Qua thanh tra, phát hiện một số DN vi phạm pháp luật về thuế và đã xử lý truy thu vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 20 tỷ đồng, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp: hơn 19 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 900 triệu đồng.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm của các DN, đồng thời kiến nghị DN rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành và giá bán sản phẩm, góp phần tích cực bình ổn thị trường. Qua kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá, trong đó tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá để có đủ chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá, bảo đảm vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN vừa ổn định giá cả, chống các hành vi lợi dụng tăng giá, trục lợi, bảo đảm đời sống nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()