Thứ 4, 25/12/2024 00:45 [(GMT +7)]
Trượt đại học, vẫn còn 1,7 triệu suất học nghề
Thứ 3, 03/08/2010 | 15:40:00 [(GMT +7)] A A
Năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 900 nghìn đến 1,2 triệu thí sinh không đậu vào các trường đại học (ĐH). Thi trượt không có nghĩa đã chấm dứt mọi ước mơ, thậm chí lại là cơ hội để các bạn trẻ chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Học nghề cũng là cách để tiến thân và lập nghiệp.
Năm 2010, chỉ tiêu học nghề rất rộng rãi
Sáng 28-7, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) chính thức thông báo, chỉ tiêu tuyển sinh học nghề năm 2010 cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước sẽ rộng rãi hơn năm trước. Theo đó, 1.748.000 chỉ tiêu sẽ được phân bổ cho cả các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc Bộ GD-ĐT và dạy nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH). Hiện tại, trên cả nước có 2.052 cơ sở dạy nghề và sau kỳ thi tuyển sinh ĐH sẽ là mùa các trường nghề xét tuyển.
Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội năm nay đã nới lỏng đối tượng tuyển sinh hơn mọi năm. Nếu như trước kia, học sinh phải có hộ khẩu tại Hà Nội thì mới được tham gia xét tuyển thì năm nay nhà trường đã mở rộng tiếp nhận cả học sinh không thuộc địa bàn thành phố. Theo thông báo của Phòng Đào tạo, hình thức tuyển sinh vào trường vẫn chỉ là xét tuyển chứ không phải thi tuyển. Hồ sơ xét tuyển rất đơn giản. Học sinh chỉ cần có học bạ bậc THPT, có chứng nhận tốt nghiệp THPT là có thể ghi tên đăng ký vào ngành nghề mình học. Thời gian nộp hồ sơ bắt đầu từ tháng 4, nhưng thông thường “nóng” nhất vẫn là sau kỳ thi ĐH. Năm nay, nhà trường vẫn chiêu sinh đủ 15 nghành nghề, nhưng những nghề đắt khách như Kế toán Doanh nghiệp, Quản trị mạng máy tính, Công nghiệp ô-tô, Kỹ thuật máy tính, Điện tử công nghiệp… bao giờ cũng có số học sinh nộp hồ sơ nhiều nên sẽ về đích sớm hơn so với thời gian dự kiến khóa sổ là ngày 29-8…
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng dành tới 1.430 chỉ tiêu cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp chính quy; 900 chỉ tiêu cho hệ TCCN và 750 chỉ tiêu cho hệ Cao đẳng nghề. Với hai hệ TCCN và Cao đẳng nghề, trường vẫn xét tuyển với học sinh tốt nghiệp THPT, riêng hệ Cao đẳng chuyên nghiệp chính quy, các em học sinh có thể đăng ký thi tuyển nguyện vọng 1 qua một trường ĐH khối A-D-C. Nếu đủ điểm sàn của trường, các em đủ điều kiện nhập học. Trường hợp các em thi trượt ĐH và muốn học tập tại trường thì từ ngày 15-8 nhà trường sẽ tiếp nhận phiếu xét tuyển vào nguyện vọng 2. Theo thầy Đoàn Mạnh Cương, Phó Trưởng phòng Đào tạo, các ngành nghề như Tài chính – Kế toán du lịch, Quản trị kinh doanh khách sạn, Kinh doanh nhà hàng, Chế biến món ăn và Lữ hành… năm nào cũng thu hút học sinh nhập học.
Thầy Đinh Văn Đáng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, nếu sinh viên các trường ĐH thường không tìm được chỗ thực tập thì học sinh các trường nghề luôn được các doanh nghiệp săn đón về thực tập (có trả lương) với mục tiêu tuyển dụng. Trong các ngày hội tư vấn tuyển dụng, rất nhiều đơn vị nhờ Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tuyển dụng nhưng năm nào cung cũng không đủ cầu. Thống kê của Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh học nghề tự tìm được việc làm chiếm trên 70%, trong đó, một số cơ sở dạy nghề đạt tới 95%. “Những học sinh tốt nghiệp trường nghề đều có việc làm ổn định với mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ có học sinh chê việc chứ không có chuyện không có việc làm!”, thầy Đáng nói.
Mỗi năm cả nước cần 1,4 đến 1,7 triệu lao động có nghề
Hiện nay số lao động trong ngành công nghiệp chiếm trên 67% tổng số lao động trong các Doanh nghiệp (DN). Theo điều tra của Tổng Cục dạy nghề, bình quân mỗi DN còn thiếu sáu đến bảy công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề. Như vậy, cả nước có 240.000 DN thì số lao động qua đào tạo nghề các DN đang cần khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người. Một số nghề/nhóm nghề đang có nhu cầu cao về lao động qua đào tạo là dệt may; thuộc da – làm giày; vận hành máy và thiết bị; cơ khí, lắp ráp máy móc; xây dựng… Một số nghề/nhóm nghề khác, nhu cầu chưa cao (về quy mô) nhưng lại đang rất thiếu đó là lập trình viên, nghề điện, điện tử, cơ – điện tử, chế biến nông sản, các sản phẩm công nghiệp và các ngành dịch vụ như kế toán-tài chính-ngân hàng, khách sạn – du lịch – hàng không…
Có thể nói, nhu cầu lao động có tay nghề trong xu thế phát triển KT-XH của đất nước là rất lớn, trong khi đó các chính sách thu hút học sinh theo học nghề lại ngày càng mở. Hiện tại, có rất nhiều mô hình dạy nghề để học sinh có thể lựa chọn: Ngoài hệ thống trường nghề chính quy còn có các cơ sở dạy nghề tại DN, dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên dân tộc nội trú, dạy nghề xuất khẩu lao động và dạy nghề cho người tàn tật…
Đặc biệt, mô hình dạy nghề tại DN theo hướng đào tạo theo nhu cầu đang được đánh giá là rất thiết thực. Hiện nay trên cả nước có 143 cơ sở dạy nghề thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay trực thuộc Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế lớn và Khu chế xuất. Các cơ sở dạy nghề này có ưu điểm vừa chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho chính DN lại vừa cung cấp cho xã hội. Các cơ sở này có lợi thế về đôi ngũ giáo viên có tay nghề, có kinh nghiệm lại chủ động xây dựng chương trình đào tạo, hình thức đào tạo phù hợp với sản xuất kinh doanh và công nghệ của DN. Còn các học viên sẽ tiết kiệm được thời gian đào tạo và có thể thực hành ngay bài học.
Một điểm thuận lợi với học sinh theo học nghề trong năm 2010 là tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm TCCN, Cao đẳng nghề thuộc Bộ GD-ĐT hay Trung cấp, Cao đẳng nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH đều có thể liên thông lên ĐH. Có thể coi đó là lối đi vòng thích hợp nhất dành cho những người chưa có cơ hội học ĐH ngay. Quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD – ĐT đã cho phép người học được liên thông từ TCCN lên bậc CĐ, ĐH. Thời gian học liên thông lên CĐ sẽ là từ một năm rưỡi đến hai năm; thời gian học liên thông lên ĐH sẽ là từ hai năm rưỡi đến bốn năm, tùy vào từng ngành. Đối với các trường nghề, theo Dự thảo Thông tư của Bộ GD – ĐT mới được công bố, học sinh muốn liên thông đều trải qua kỳ thi do Bộ GD – ĐT quy định. Từ hệ TC nghề lên ĐH thì phải theo học ba, bốn năm; từ TC nghề lên CĐ học một đến hai năm, từ CĐ nghề lên ĐH phải học một hoặc hai năm.
Theo PGS.TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, thực hiện liên thông lên ĐH trong toàn hệ thống giáo dục dạy nghề nhằm hướng tới triển khai đào tạo nghề bậc ĐH vào năm 2011. Khi ra trường, học viên sẽ có bằng kỹ sư thực hành. Sau này, nếu có điều kiện, người học có thể học tiếp lên thạc sỹ và tiến sỹ nghề. Điều này, không xa lạ với các nước tiên tiến nhưng là một bước đi khá mới mà Việt Nam cần phải triển khai thì mới đào tạo được đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()