LSO-Tiền thân là Trường Dạy nghề Lạng Sơn đi vào hoạt động từ năm 2001, đến ngày 16/12/2006 được “nâng cấp” lên thành Trường Trung cấp nghề Việt Đức. Trải qua 10 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhà trường đã tham gia đào tạo trung cấp nghề; dạy nghề thường xuyên và dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT); tổ chức dạy nghề, nâng bậc thợ cho nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, phải khẳng định những nỗ lực của nhà trường trong công tác dạy nghề cho LĐNT đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần dạy nghề cho hàng vạn LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh.Vợ chồng anh An - chị Hữu, học viên tham gia học nghề đã áp dụng kiến thức vào chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả thiết thựcÔng Nông Kim Thiết, cán bộ phụ trách mảng dạy nghề cho LĐNT, Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Việt Đức chia sẻ : Trong thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực dạy nghề cho LĐNT theo chỉ tiêu giao của Sở LĐTB&XH. Trong 10 năm qua, nhà trường đã tổ chức dạy nghề cho...
LSO-Tiền thân là Trường Dạy nghề Lạng Sơn đi vào hoạt động từ năm 2001, đến ngày 16/12/2006 được “nâng cấp” lên thành Trường Trung cấp nghề Việt Đức.
Trải qua 10 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhà trường đã tham gia đào tạo trung cấp nghề; dạy nghề thường xuyên và dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT); tổ chức dạy nghề, nâng bậc thợ cho nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, phải khẳng định những nỗ lực của nhà trường trong công tác dạy nghề cho LĐNT đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần dạy nghề cho hàng vạn LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh.
|
Vợ chồng anh An – chị Hữu, học viên tham gia học nghề đã áp dụng kiến thức vào chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả thiết thực |
Ông Nông Kim Thiết, cán bộ phụ trách mảng dạy nghề cho LĐNT, Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Việt Đức chia sẻ : Trong thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực dạy nghề cho LĐNT theo chỉ tiêu giao của Sở LĐTB&XH. Trong 10 năm qua, nhà trường đã tổ chức dạy nghề cho hàng vạn LĐNT tham gia học nghề. Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, là một trường dạy nghề, Trường Trung cấp nghề Việt Đức đã tham gia và tăng cường về công tác dạy nghề cho LĐNT.
Kết quả, năm 2010 nhà trường tổ chức được 28 lớp với 810 học viên tham gia, chủ yếu là các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi gia cầm. Năm 2011, do điều chỉnh của Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nên kinh phí cho dạy nghề LĐNT bị hạn chế. Chính vì vậy, nhu cầu học nghề của LĐNT đăng ký với nhà trường rất nhiều, song cũng chỉ mới tổ chức được 5 lớp với 154 học viên tham gia. Đó là khó khăn chung của công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo chân bà La Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội nông dân phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đi thăm một số mô hình chăn nuôi lợn nái của các học viên là LĐNT tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn nái của phường do Trường Trung cấp nghề Việt Đức tổ chức, chúng tôi rất ấn tượng với các mô hình chăn nuôi này.
Vừa cho lợn ăn, bà Phan Thị Xuyến, hội viên Chi hội phụ nữ khối 6, phường Tam Thanh cho biết : Trước khi học nghề, tôi cũng đã tham gia chăn nuôi hộ gia đình, nhưng chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt. Trung bình 1 năm gia đình tôi cũng nuôi được khoảng 6 lứa, mỗi lứa xuất khoảng 8-10 con, trừ chi phí hàng năm cũng cho thu nhập từ chăn nuôi lợn thịt khoảng trên 30 triệu đồng. Khi nghe có lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, tôi cũng đã đăng ký tham gia và may mắn được học. Nhà trường giúp đỡ cho lớp học 1 con lợn nái để lớp học thực hành và hiện đang nuôi tại nhà tôi, khi được học kỹ thuật rồi thì tôi đầu tư thêm 2 con lợn nái nữa để áp dụng kỹ thuật chăm sóc đã được học vào thực tế. Hiện nay số lợn nái trên đang phát triển khỏe mạnh bình thường, thân hình cân đối, phù hợp với tiến trình phát triển bình thường của lợn nái.
Không giống như bà Xuyến có kinh nghiệm trong chăn nuôi, vợ chồng anh Hoàng Văn An, chị Lộc Thị Hữu ở khối 7 phường Tam Thanh mới bắt đầu nuôi lợn nái từ cuối năm ngoái, đầu năm nay. Tích cóp, vay mượn được hơn 30 triệu đồng anh chị đầu tư vào tự xây dựng chuồng trại với 3 gian, sạch sẽ thoáng mát rộng khoảng 70m2. Hiện nay, trong chuồng nhà chị có 3 con lợn nái và trên 20 con lợn bột. Số lợn bột đó anh chị để nuôi lớn rồi xuất chuồng. Từ đầu năm đến nay, anh chị đã xuất được 2 lứa, mỗi lứa khoảng 13 con, trừ chi phí thu được khoảng 20 triệu đồng. Theo tiến độ phát triển như hiện nay thì trung bình 1 năm, 3 con lợn nái sẽ sinh được 6 đàn, bình quân thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Tham gia học lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn nái do Trường Trung cấp nghề Việt Đức tổ chức, chị Hữu cho biết : Do mới đầu tư chăn nuôi nên vợ chồng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, được học lớp kỹ thuật này mới mở mang thêm nhiều điều, có được nhiều kiến thức hơn. Vì thế hiện nay, vợ chồng tôi mong muốn mở rộng thêm được chuồng trại, chăn nuôi nhiều hơn nhưng không có vốn. Nếu được vay vốn chúng tôi dự tính sẽ đầu tư hầm khí bioga để giữ gìn vệ sinh môi trường cũng là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, ngoài ra còn muốn đầu tư mở rộng thêm 2 gian chuồng trại rộng khoảng 40m2 nữa. Vì thế mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho vợ chồng tôi được vay vốn để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Như vậy có thể thấy rằng, khi công tác dạy nghề đáp ứng được nhu cầu học nghề của LĐNT sẽ cho thấy những hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng học tập cũng như có phát triển kinh tế hộ một cách thực tế, thiết thực. Ông Nông Kim Thiết cho biết : Hiện nay, trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh, nhu cầu đào tạo nghề của LĐNT là rất lớn, do đó sang năm 2012, rất mong tỉnh quan tâm bố trí kinh phí cho chương trình này nhiều hơn, để đáp ứng được nhu cầu học nghề của bà con.
Với nỗ lực của Trường Trung cấp nghề Việt Đức và hệ thống các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, năm 2011, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đã được nâng lên 35%. Kết quả này đã góp phần phản ánh hiệu quả của công tác dạy nghề và tin rằng, bước sang một năm mới, công tác dạy nghề cho LĐNT của nhà trường nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung sẽ có nhiều thắng lợi mới.
Thái Dương
Ý kiến ()