Thứ 2, 25/11/2024 16:34 [(GMT +7)]
Trường Trung cấp nghề Việt- Đức: Những nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ
Thứ 2, 21/11/2011 | 10:19:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Để có thể dạy nghề các trình độ theo chuẩn đào tạo quy định, nhà trường không chỉ chọn tuyển những giáo viên có tay nghề cao, mà còn có năng lực sư phạm, khả năng hướng dẫn học sinh trong thực hành, thao tác nghề.
Tham gia công tác dạy bổ túc văn hóa cho học sinh học nghề, nhà trường phải có đội ngũ giáo viên chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ GD&ĐT và trong các hoạt động giảng dạy của mình, để đảm bảo công tác giáo dục toàn diện là “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”. Yêu cầu là vậy, song với đặc điểm của một trường nghề ở một tỉnh miền núi biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số, chất lượng “đầu vào” rất thấp, nên muốn hoàn thành nhiệm vụ, nhà trường phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó coi trọng việc nâng cao nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ.
Học sinh trường nghề Việt Đức học nghề làm nấm |
Hiện nay, Trường Trung cấp nghề Việt – Đức có 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó số cán bộ giáo viên, nhân viên trong diện hợp đồng chiếm tỷ lệ 1/3. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhà trường đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ về lý luận, đạo đức cách mạng và lối sống, thật sự là tấm gương để học sinh noi theo.
Trong đợt bồi dưỡng chính trị hè năm 2011, có 32 giáo viên viết bài thu hoạch, kết quả có 9,37% xếp loại giỏi, 71,8% xếp loại khá và còn 18,75% xếp loại trung bình, không có loại yếu. Có một thực tế là nhiều giáo viên nghề trưởng thành từ các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành, họ giỏi về chuyên môn và năng lực thực hành, nhưng còn yếu về năng lực sư phạm, phong cách sư phạm cũng còn hạn chế. Trước thực trạng đó, một mặt nhà trường củng cố nền nếp tác phong của giáo viên nghề, mặt khác bồi dưỡng phong cách sư phạm cho họ, để họ trở thành những giáo viên nghề giỏi về chuyên môn và có kỹ năng sư phạm.
Sau nhiều năm thực hiện bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, hiện nhà trường có 1 giáo viên có trình độ sau đại học, 39 giáo viên có trình độ Đại học, 7 giáo viên có trình độ Cao đẳng và còn 23 người có trình độ khác. Trong hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc tại Bình Định, trường đã có 1 giáo viên đạt giải. Nhà trường đã có 70% cán bộ giáo viên biết sử dụng Email, sử dụng thành thạo máy tính, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Hằng năm, công tác thăm lớp dự giờ, tổ chức hội giảng… được thực hiện có nền nếp.
Qua đánh giá về chuyên môn, loại giỏi chiếm tỷ lệ 55%, loại khá là 18%, không có loại yếu. Với lưu lượng gần 1000 học sinh mỗi năm với các loại hình đào tạo khác nhau như trung cấp, sơ cấp nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội và các doanh nghiệp, liên kết đào tạo cao đẳng nghề, dạy bổ túc văn hóa THPT cho học sinh học nghề… do chủ động bố trí đội ngũ theo năng lực, yêu cầu nhiệm vụ, nên đội ngũ giáo viên nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Từ năm học 2006-2007, nhà trường bắt đầu tuyển sinh học bổ túc văn hóa kết hợp dạy nghề. Với loại hình đào tạo “2 trong 1” này, nhà trường đồng thời chú trọng công tác giáo dục toàn diện để học sinh khi ra trường có trình độ học vấn tốt nghiệp lớp 12 bổ túc THPT và trình độ nghề trung cấp. Năm học 2010-2011 có 6 lớp bổ túc văn hóa THPT cho học sinh học nghề với 239 học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89% (tương đương với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn). Kết quả này đã phản ánh năng lực dạy văn hóa của nhà trường và khẳng định một hướng đi mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học lên của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()