Thứ 6, 22/11/2024 13:23 [(GMT +7)]
Trường Tiểu học và THCS xã Đội Cấn - những vấn đề cần quan tâm
Thứ 5, 07/02/2013 | 10:18:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một xã biên giới, trong những năm qua, bằng các chương trình khác nhau, xã Đội Cấn (Tràng Định) đã có một cơ sở hạ tầng khá đồng bộ như điện lưới, đường giao thông, nước sạch, trụ sở… Song diện mạo trường học của địa phương trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng đã thể hiện những khó khăn, thiếu thốn ở địa phương này.
Dãy nhà lớp tiểu học của Trường Tiểu học và THCS Đội Cấn đang xuống cấp từng ngày
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nguyên là lớp học, nay dùng làm phòng hội đồng với mái thủng, trần bong, tường lở, cô giáo Lương Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, hầu như tất cả các “hạng mục” của nhà trường, từ phòng học cho cấp học mầm non đến cấp THCS, từ nhà ở công vụ cho giáo viên đến các phòng chức năng như phòng thiết bị, thư viện…đều trong tình trạng rách nát, tạm bợ.
Với tổng số 170 hộ gia đình và với việc thực hiện chính sách dân số như hiện nay, tổng số học sinh của xã Đội Cấn rất ít và có chiều hướng giảm dần. Đến năm học 2012-2013, toàn xã chỉ có 110 học sinh, trong đó có 2 lớp mầm non, 4 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Ít nhất là lớp 2 chỉ có 5 học sinh, lớp 3 chỉ có 4 học sinh nên phải tổ chức lớp ghép. Từ khi có con đường qua trung tâm xã và phong trào làm giao thông nông thôn, Đội Cấn đã “xóa” các phân trường. Học sinh từ mầm non đến tiểu học được bố mẹ dùng xe máy, xe đạp đưa đón hàng ngày. Học tập trung, nhà trường có điều kiện chăm lo cho các cháu, đảm bảo học tăng thời lượng để nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS từ năm 2005 và nay vẫn được duy trì. Năm học 2011-2012, toàn xã có 16 học sinh dự thi vào trường THPT huyện và đã có 13 học sinh thi đỗ, đạt tỷ lệ 81%. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân cộng với sự nỗ lực của các thày cô giáo nên chất lượng lao động địa phương ngày càng được nâng cao, góp phần làm chuyển biến đáng kể kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo ở xã biên giới này.
Sự ổn định về quy mô, điều kiện học tập trung đã tạo điều kiện cho xã quy hoạch mạng lưới giáo dục một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể quy hoạch nông thôn mới và đã nhận được sự ủng hộ của huyện, của Phòng GD&ĐT. Song kế hoạch xây dựng trường mới bị ngưng trệ do nhiều nguyên nhân đã làm chậm lại tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã, làm cho công tác nuôi, dạy các cháu thêm khó khăn. Dẫn chúng tôi đi xem phòng học của khối mầm non, cô giáo Nông Thị Tuyết Liên, Phó Hiệu trưởng nói rằng đã rất cố gắng tạo cho các cháu chỗ học, nơi vui chơi, song rất khó. Người dân địa phương rất muốn gửi trẻ để có thể giải phóng sức lao động, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng; bằng chứng là tỷ lệ huy động trẻ 2 tuổi đã đạt 69%, trẻ 3-5 tuổi đạt 91,6%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Song nhìn vào điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) của nhà trường, từ lãnh đạo chính quyền đến người dân đều ái ngại về điều kiện nuôi dạy. Hơn thế, do quá ít học sinh mầm non và điều kiện CSVC thiếu thốn nên không thể tách trường và như vậy cho dù có hoàn thành tất cả các tiêu chí của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Đội Cấn vẫn không được công nhận phổ cập!
Làm việc với Đảng ủy xã, chúng tôi hiểu sự băn khoăn của cấp ủy chính quyền địa phương về công tác giáo dục. Đồng chí Âu Văn Cương, Bí thư Đảng ủy cho rằng, về GD&ĐT, Đội Cấn có 2 vấn đề cần tháo gỡ: đó là việc xây dựng trường học và mô hình trường 3 cấp học. Về xây dựng, với mặt bằng hiện có và trụ sở UBND bàn giao lại, nhà trường đủ điều kiện đón đợi đầu tư của nhà nước. Về mô hình, với số học sinh ổn định trên dưới 100 em (từ 10-12 lớp), liệu cấp học mầm non có tồn tại lâu dài trong mô hình trường phổ thông nhiều cấp học hay không (cấp học mầm non không thuộc hệ phổ thông). Từ mô hình sẽ ảnh hưởng tới thiết kế các phòng học ở địa phương. Và cho dù hoàn thành phổ cập giáo dục mần non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng đến bao giờ xã Đội Cấn mới được cấp trên công nhận?
Thiết nghĩ, sự băn khoăn này sẽ được giải đáp không chỉ ở phạm vi huyện, Sở GD&ĐT, mà phải từ Bộ GD&ĐT. Vì theo chúng tôi được biết, huyện Tràng Định và tỉnh Lạng Sơn còn nhiều địa phương có tình trạng trường “đa cấp” và đang xuống cấp như Đội Cấn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()