Chủ nhật, 24/11/2024 02:58 [(GMT +7)]
Trường THPT Việt Bắc với "thương hiệu" chất lượng
Thứ 6, 09/11/2012 | 10:08:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong hệ thống các trường THPT trên địa bàn tỉnh, sau Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT Việt Bắc đã phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, và luôn là “cánh chim đầu đàn” của các trường THPT trong toàn tỉnh.
Học sinh Trường THPT Việt Bắc trong giờ tin học – Ảnh: MH
Trong những năm vừa qua, nhà trường không ngừng tăng về quy mô, đến năm học 2011-2012 đã có 174 cán bộ giáo viên, nhân viên và 60 lớp với trên 2400 học sinh. Học sinh đông, số lớp nhiều, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện? Vấn đề đó luôn là sự trăn trở của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường. Mặc dù chủ đề mà Bộ GD&ĐT đặt ra cho từng năm học có khác nhau, song đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường coi là chìa khóa của việc nâng cao chất lượng học sinh. Trong đổi mới quản lý, song song với việc thực hiện quy chế “ba công khai” (công khai về chất lượng giáo dục, công khai về đội ngũ, trang thiết bị CSVC phục vụ dạy và học, công khai tài chính), nhà trường đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, công tác thi đua khen thưởng; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho CBGV và học sinh. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là việc đổi mới công tác sinh hoạt chuyên môn, công tác giáo viên chủ nhiệm lớp; đổi mới phương pháp dạy học, từ bỏ hẳn lối dạy cũ theo kiểu “đọc- chép”, dạy theo phương pháp khơi dậy tính chủ động, tích cực của học sinh. Phương pháp này phù hợp với đối tượng học sinh khu vực thành phố có nhận thức nhanh, có ý thức làm việc độc lập và hoạt động nhóm. Trao đổi với chúng tôi về đổi mới công tác sinh hoạt chuyên môn và phương pháp dạy học tích cực, cô giáo Phạm Việt Hoa, giáo viên môn Vật lý, Tổ trưởng tổ Lý-Tin-Công nghệ cho biết, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng tập trung rất cao vào việc lập và thực hiện kế hoạch của mỗi cá nhân, tổ nhóm theo tháng, tuần với các chủ đề xác định. Là một tổ chuyên môn mang tính khoa học thực hành, việc sử dụng thiết bị dạy học là sự bắt buộc và đó cũng là biểu hiện cụ thể của đổi mới phương pháp là “học đi đôi với hành”, lấy thực hành để minh chứng cho lý thuyết. Bởi vậy, học sinh khá giỏi có thể đào sâu suy nghĩ và sáng tạo, học sinh chưa đạt chuẩn có thể ghi nhớ theo hệ thống tư duy logic.
Với ý thức chuyên môn cao và lòng tự trọng nghề nghiệp, đội ngũ CBGV nhà trường đã khẳng định được tài năng của mình trong các hội thi giáo viên giỏi từ cấp trường đến cấp tỉnh. Năm học 2009-2010, nhà trường cử 6 giáo viên tham gia hội thi cấp tỉnh, kết quả đã có 1 giáo viên đạt xuất sắc, 5 giáo viên đạt giỏi; năm học 2010-2011 cử 4 giáo viên tham gia hội thi, cả 4 người đều đạt loại giỏi. Tại hội thi giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh vừa qua, nhà trường cử 3 giáo viên tham gia, đã có 2 đạt loại giỏi và 1 là loại khá. Hằng năm đã có trên 95% giáo viên đạt loại xuất sắc và loại khá. Từ năm học 2008-2009 đến nay, nhà trường luôn được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”, các tổ chuyên môn được công nhận “Tập thể lao động tiên tiến”. Nếu năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh giỏi mới ở mức 0,6%, khá 23,8%, thì đến năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh giỏi đã là 4,1%, khá 48,1% . Trong 3 năm liền (từ năm 2010-2012) tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100%, trong đó xếp loại tốt nghiệp khá và giỏi đã đạt mức 20%. Số học sinh thi đỗ vào các trường ĐH,CĐ tăng đều hằng năm và đạt trên 40% năm 2012. Song song với việc nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn luôn được quan tâm, nếu năm học 2007-2008, nhà trường có 22 học sinh giỏi cấp tỉnh, thì đến năm học 2011-2012 đã có 96 giải cấp tỉnh và 1 giải quốc gia. Nhà trường luôn là nòng cốt trong các phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT của ngành GD&ĐT và của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy – Ảnh: Phan Cầu
Làm việc với chúng tôi, ông Lương Đình Hợi, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đổi mới quản lý đối với Trường THPT Việt Bắc như một cuộc “cách mạng” về nhiều lĩnh vực, từ tư duy đến cách làm; là một quá trình liên tục trong nhiều năm, nên phải quyết liệt và bền bỉ. Với bề dày truyền thống 65 năm, với những kinh nghiệm có được trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ CBGV nhà trường sẽ quyết tâm hơn trong đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, nhằm xây dựng một “thương hiệu” chất lượng của nhà trường trong lộ trình tiến tới trường chuẩn quốc gia vào năm 2013.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()