Thứ 3, 26/11/2024 06:41 [(GMT +7)]
Trường THPT Lộc Bình quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Thứ 5, 29/11/2012 | 15:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một trường gồm nhiều học sinh ở các xã vùng cao, vùng sâu vùng biên giới, trong gần 5 năm qua, công tác giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh được Trường THPT Lộc Bình coi là phần quan trọng trong việc “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Học sinh khối 10, Trường THPT Lộc Bình trong giờ
ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Năm 2011, một trường hợp học sinh nữ của nhà trường quê xã Yên Khoái đã bị một người hàng xóm dụ dỗ sang tận Nam Ninh (Trung Quốc) để bán; rất may là gia đình đã phát hiện kịp thời và gây sức ép buộc người hàng xóm kia phải đưa em về. Các thầy giáo của nhà trường cho biết, điều đáng ngạc nhiên là đến bây giờ chính bản thân em cũng không biết rằng mình đã mắc lừa, chỉ khi được học về kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học và các buổi ngoại khóa do Đoàn thanh niên tổ chức em mới vỡ lẽ là mình đã một lần bị lừa bán.
Nhà trường có đến trên 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó có trên 30% là người ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới và có 15% học sinh phải trọ học. Thầy giáo Trịnh Văn Tú, Bí thư Đoàn trường cho biết, để có được sự tin cậy của học sinh, sau khi được dự các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức, hưởng ứng phong trào “Mỗi giáo viên giúp đỡ 2 học sinh”, đội ngũ giáo viên đã sâu sát học sinh hơn, họ không những là người thầy về tri thức, tấm gương về đạo đức, mà còn là người bạn tâm tình của các em. Ban tư vấn tâm lý học đường là một địa chỉ tin cậy để các em tìm tới, ở đó các em có thể tâm sự với các thầy về những tâm tư, tình cảm của tuổi mới lớn, về tình bạn, tình yêu…Qua đó, các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ…dần hình thành. Năm 2010, đang học lớp 11 thì bố mẹ bắt phải ở nhà lấy chồng, em Nông Thị H. tìm đến nhờ các thầy cô giúp đỡ. Được hướng dẫn, em về trình bày với bố mẹ suy nghĩ của mình, rằng mới 16 tuổi mà lấy chồng là tảo hôn, vi phạm Luật hôn nhân và gia đình. Vả lại, nếu ở nhà lấy chồng thì cũng chỉ suốt đời “cắm mặt” xuống mấy thửa ruộng. Bằng sự khôn khéo H. đã tự bảo vệ được mình khỏi sự ràng buộc của gia đình và hiện nay em đang làm việc tại Công ty điện tử Sam Sung với mức lương khá.
Em Nông Thanh Huyền, lớp trưởng lớp 12 A1 cho rằng, cụm từ “ Kỹ năng sống, giá trị sống” nghe có vẻ chữ nghĩa, xa xôi, song khi được các thầy giáo truyền đạt và quá trình tiếp xúc với thực tế cuộc sống, học sinh thấy đây là điều vô cùng cần thiết. Từ lời chào, cách vỗ tay, cách nói trước đám đông, cách khuyên can bạn bè, đến tuân thủ pháp luật, biết tránh xa những cám dỗ vật chất tầm thường, ma túy, cờ bạc, và cao hơn là cách tự bảo vệ mình khi gặp các tình huống…là những điều mà các em phải được học trước khi thành người lớn. Còn em Âu Thị Huyền Chi, học sinh lớp 12 A2 thì nói rằng, chính những điều mà em được các thầy các cô dạy dỗ, truyền đạt, đã giúp em- một cô gái ở xã Lục Thôn chỉ có rừng và ruộng, đạt giải “ Người đẹp thân thiện” trong hội thi Người đẹp Xứ Lạng vừa qua.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Bế Đoàn Trọng, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, học sinh cấp THPT nói chung và Trường THPT Lộc Bình nói riêng đứng trước rất nhiều áp lực, từ chuyện học hành, cuộc sống trong gia đình, tiếp xúc ngoài xã hội và cả áp lực về nghề nghiệp trong tương lai. Đối với hơn 200 học sinh trọ học, áp lực lại càng nặng nề hơn. Vì vậy, song song với công tác duy trì nghiêm kỷ luật trường học, việc trau dồi cho các em những kiến thức về cuộc sống là điều rất cần thiết.. Học sinh THPT là một trong nhóm người rất dễ bị tổn thương về tâm lý, họ cần phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Gia đình học sinh tin ở mình, gửi gắm con em họ cho mình, học sinh ngưỡng mộ mình để học tốt hơn, nhà trường phải làm sao để xứng đáng với lòng tin đó. Tuy nhiên, chỉ mình nhà trường sẽ không thể làm được, mà cần có sự quan tâm sâu hơn của gia đình và sự vào cuộc tốt hơn của xã hội.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()