Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo bổ sung nguồn cán bộ ở cơ sở
LSO-Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn được thành lập năm 1973, tiền thân là Trường Thanh niên Dân tộc tỉnh, với sự hợp nhất của ba Trường Thanh niên Dân tộc Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định. Nhiệm vụ chính của nhà trường là tạo nguồn cán bộ các dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng miền núi và dân tộc của tỉnh. Những ngày đầu thành lập, trường có hơn 200 học sinh gồm cả cấp I, cấp II và cấp III với bộn bề khó khăn, thiếu thốn… Đến nay Nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang, có quy mô đào tạo gồm 15 lớp học với 431 học sinh đang học tập, sinh hoạt nội trú tại trường.
Cô và trò Trường PTDT Nội trú tỉnh – Ảnh: THANH SƠN |
Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, phương pháp giảng dạy, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của ngành, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tích cực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh. Nhà trường đã đào tạo được trên 4.000 học sinh, trong đó có hàng trăm người trở thành cán bộ văn hoá – khoa học kỹ thuật, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp ở Lạng Sơn và trong cả nước. Trong những năm gần đây, Trường THPT Dân tộc nội trú Lạng Sơn đã vươn lên trở thành điểm sáng giáo dục của tỉnh, là một trong những đơn vị dẫn đầu khối trung học phổ thông trong tỉnh. Năm 2009, nhà trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia bậc THPT với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt chuẩn và trên chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, môi trường giáo dục thực sự an toàn, lành mạnh, xanh – sạch – đẹp; chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh đã đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia (567 giải cấp tỉnh, 8 giải quốc gia), tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 80%,… Kết quả đó đã khẳng định những nỗ lực to lớn của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường, khẳng định vai trò to lớn của nhà trường trong đào tạo nguồn cán bộ các dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng miền núi và dân tộc của tỉnh. Với những thành tích xuất sắc đó, nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2013 và 5 lần vinh dự nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác… Đó là vinh dự, tự hào, động lực và cũng là trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã, đang và sẽ viết tiếp những trang vàng truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã vượt qua được các khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển tương đối toàn diện, các nguồn lực được huy động cho đầu tư phát triển tăng khá, lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng – an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp so với cả nước nên tỉnh Lạng Sơn vẫn là một tỉnh nghèo, trên 80% dân cư sống bằng nghề nông, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển giáo dục, đào tạo nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cùng với ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh nhằm chung tay, góp sức chăm lo cho giáo dục. Với nguồn vốn huy động hàng chục nghìn tỷ đồng, ngành giáo dục đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, xây dựng nhiều điểm trường, đặc biệt là phát triển mô hình bán trú trong hệ thống giáo dục phổ thông, đưa lớp học về thôn bản để tăng tỷ lệ học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng bỏ học, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí cho công nghiệp hoá hiện đại hoá nông thôn miền núi.
Giờ học môn công nghệ thông tin của các em học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh |
Trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, trình độ, kỹ năng ngày càng cao, đặc biệt là lực lượng cán bộ người dân tộc thiểu số làm nòng cốt trên các lĩnh vực ở các địa phương miền núi đang được đặt ra cả về số lượng với những yêu cầu cao về chất lượng, nhà trường phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác dạy và học, có các giải pháp tích cực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trước hết, nhà trường cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án của Trung ương và của tỉnh về giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hai là không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác, phấn đấu thực hiện “Quản lý tốt, giảng dạy tốt và học tập tốt”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh và ngành giáo dục và đào tạo phát động. Cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường cần thường xuyên tự học tập và bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Ba là triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng số lượng, chất lượng học sinh giỏi các cấp, tăng tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; chú trọng giáo dục dân tộc, giáo dục truyền thống, đạo đức, giá trị sống, kĩ năng sống, góp phần đào tạo những công dân có đạo đức tốt, có lối sống văn minh, lịch sự, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội; biết trân trọng, tự hào, gìn giữ và làm giàu bản sắc văn hoá của dân tộc mình và các dân tộc anh em; có năng lực tự học, năng động và thích ứng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bốn là đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giao lưu học tập với các đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy. Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, đáp ứng xu hướng hội nhập toàn cầu và đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tôi đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể tiếp tục chỉ đạo, dành cho nhà trường sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt là việc phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên; ưu tiên, đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên; tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất giúp nhà trường tiếp tục phát triển.
Học sinh Trường PTDT Nội trú trong giờ thí nghiệm |
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, thay mặt Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Lạng Sơn, tôi ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Tôi tin tưởng rằng thầy và trò nhà trường sẽ phát huy những truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng nhà trường trở thành mái nhà chung của học sinh các dân tộc anh em, đáp ứng yêu cầu bổ sung nguồn cán bộ có chất lượng cao cho các xã vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh nhà, chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến ()