Trường THPT Chi Lăng - niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng
Tiến sỹ Phạm Ngọc Thưởng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng |
Những ngày đầu thành lập, nhà trường gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và phải sơ tán qua nhiều địa điểm khác nhau để tránh sự đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc và tinh thần tận tuỵ, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên cùng tinh thần hiếu học, vượt khó vươn lên của học sinh, thầy và trò nhà trường vừa lao động dựng trường, dựng lớp, vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu mà vẫn sôi nổi đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Phát huy truyền thống của mảnh đất Chi Lăng lịch sử, vươn lên từ khó khăn, gian khổ, suốt một chặng đường nửa thế kỷ, được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự đùm bọc, tin yêu của nhân dân các dân tộc huyện nhà cùng những nỗ lực to lớn của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh, trường THPT Chi Lăng ngày càng phát triển và đã đạt được nhưỡng thành tích rất đáng phấn khởi, tự hào. Ngày mới thành lập, trường chỉ có vài chục học sinh, lớp học tranh tre, nứa lá, vách đất. Hiện nay trường đã có 95 cán bộ quản lý, giáo viên (12 thạc sĩ, 4 giáo viên đang học cao học) với 5 khu lớp học cao tầng, khang trang, đầy đủ các phòng học bộ môn, phòng học vi tính, phòng học ngoại ngữ hiện đại, khuôn viên gần 10.000 m2 xanh, sạch, đẹp là môi trường tốt cho 37 lớp với trên 1.300 học sinh học tập, rèn luyện.
Các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, hết lòng thương yêu học sinh, chăm lo, vun đắp cho sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hai cô giáo của nhà trường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, trên 30% giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh, 20 thầy cô giáo được Bộ GD-ĐT tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường đã miệt mài phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trở thành giáo viên cốt cán của tỉnh, cán bộ quản lý giỏi của trường, huyện, của ngành giáo dục và đào tạo, được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh yêu quý, được nhận giấy khen, bằng khen của tỉnh, của các bộ, ngành trung ương.
Nhà trường luôn quan tâm tới chất lượng giáo dục toàn diện; đức, trí, thể, mỹ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng như chiến tranh bảo vệ tổ quốc, nhiều học sinh của nhà trường đã tình nguyện nhập ngũ trực tiếp tham gia chiến đấu, trong đó có gần 60 người đã anh dũng hy sinh.
Mừng ngày khai giảng năm học – Ảnh: nhà trường cung cấp |
Phong trào học tập, văn nghệ, thể dục thể thao luôn diễn ra sôi nổi trong nhà trường. Học sinh nhà trường đã giành nhiều huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi văn nghệ, thể thao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Một trong những nét đẹp truyền thống của nhà trường là thầy dạy tốt, trò học tốt. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm. Trong 5 năm (2010-2015), tỷ lệ học sinh khá giỏi luôn duy trì từ 45% trở lên, hạnh kiểm tốt, khá trên 95%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 97%. Trường đã có trên 700 học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đến năm 2015 đã có hơn 2000 học sinh của trường tiếp tục học lên, có bằng đại học, cao đẳng. Nhiều học sinh của trường đã đạt được học vấn khoa học cao như tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều người là cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang. Các thế hệ học sinh trưởng thành từ nhà trường đang đóng góp công sức, trí tuệ vào nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, ở mọi miền tổ quốc, nhiều người được giao giữ trọng trách ở các cơ quan trung ương, là cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trường THPT Chi Lăng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010) và nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua của tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành ở trung ương. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh vui mừng, phấn khởi, tự hào khi trường THPT Chi Lăng thân yêu được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho những đóng góp to lớn của nhà trường. Chúng ta cũng vui mừng khi trường được công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia-khẳng định bước trưởng thành vững chắc của nhà trường.
Hội đồng Sư phạm nhà trường |
Trước những yêu cầu mới của công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhà trường cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của trung ương và của tỉnh về GD&ĐT, gắn với điều kiện thực tế của nhà trường với quyết tâm cao, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về chất lượng giáo dục toàn diện.
Thứ hai, không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng đối với các hoạt động của nhà trường, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua do trung ương và ngành GD&ĐT đã và đang triển khai. Xây dựng các gương điển hình tiên tiến trong quản lí, giảng dạy phấn đấu bồi dưỡng về lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng “Mỗi thầy thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phấn đấu thực hiện “Quản lý tốt – Giảng dạy tốt – Học tập tốt”.
Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu tăng số lượng, chất lượng học sinh khá, giỏi; chú trọng công tác giáo dục toàn diện, giáo dục dân tộc, truyền thống lịch sử cách mạng, kỹ năng sống, góp phần giáo dục và đào tạo những công dân có đạo đức tốt, lối sống văn minh, có ý chí và khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, có năng lực tự học, sáng tạo, năng động, tự tin và khả năng thích ứng cao trong thời kì hội nhập quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đẩy nhanh việc thực hiện “Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường THPT Chi Lăng giai đoạn 2011 – 2020” theo hướng dẫn số 326/UBND ngày 22/9/2010 của UBND huyện Chi Lăng về việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.
Thứ sáu, phát huy truyền thống của nhà trường, xây dựng tập thể đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, tất cả vì học sinh thân yêu. Chú trọng công tác thi đua – khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, kịp thời động viên khích lệ giáo viên, học sinh có nhiều thành tích trong công tác và học tập.
Ý kiến ()