Trường THPT Chi Lăng 50 năm xây dựng và phát triển
Hiệu trưởng Trần Minh Châu |
Năm học đầu tiên 1965 – 1966 trường phải sơ tán vào thôn Mỏ Ba – xã Hòa Bình với 7 lớp. Dù trong muôn vàn khó khăn của một trường học trong những ngày đầu thành lập, nhưng khát vọng đào tạo lớp người mới cho quê hương có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn cháy bỏng trong mỗi cán bộ giáo viên nhà trường. Chất lượng giáo giáo dục được khẳng định ngay từ những khóa học đầu tiên, kết quả thi tốt nghiệp đứng thứ 3 toàn tỉnh sau trường cấp 3 Việt Bắc và trường cấp 3 Thất Khê, nhiều học sinh được cử đi học tập ở nước ngoài, 2 học sinh giỏi được tham dự vào đội thi toán của tỉnh. Tổ tự nhiên của trường cùng tổ tự nhiên của tường cấp 3 Thất Khê là 2 tổ được công nhận là tổ Lao động XHCN đầu tiên của ngành GD Lạng Sơn
Từ khi thành lập đến nay, các thế hệ nhà giáo, CBNV của trường đã tận tâm, tận lực vì học sinh thân yêu, đoàn kết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện theo lời Bác dặn “dù khó khăn đến đâu, cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Các thầy cô sống giản dị, mẫu mực, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, từng đêm từng đêm trăn trở trên từng trang giáo án, ngày lại ngày chăm chút cho các học trò của mình. Nhiều thầy cô đã trở thành giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua, nhà giáo ưu tú, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý của các nhà trường, của ngành giáo dục của tỉnh và địa phương .
Trong 50 năm xây dựng và phát triển của nhà trường, đặc biệt trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trường đã phải nhiều lần đi sơ tán qua các thôn Mỏ Ba – xã Hòa Bình năm 1965, thôn Đồng Tiến – xã Quang Lang năm 1969, thôn Nà Noong – xã Thượng Cường năm 1972. Trong những lần đi sơ tán thầy trò cùng phụ huynh dẫn dắt nhau, gồng gánh mang vác đi bộ hàng chục ki lô mét leo đèo, lội suối sơ tán để tránh bom đạn của kẻ thù, vào rừng chặt tre, chặt nứa, dựng trường, dựng lớp. Lớp học tranh tre vách đất, rải mỗi lớp một nơi đề phòng Mỹ ném bom bắn phá. Đào hào đắp lũy quanh lớp học để tránh thương vong. Chiến tranh ác liệt, trường phải sơ tán đi nhiều nơi, đất nước đang muôn vàn khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, giầy dép trò có trò không. Hòa bình lập lại năm 1973, trường chuyển về vị trí ngày hôm nay. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, tiếng giảng bài vẫn không ngừng vang lên, cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường vẫn luôn bền bỉ phấn đấu và vượt lên tất cả, giành kết quả cao trong phong trào thi đua “Hai tốt”. Trường cấp 3 Chi Lăng vẫn luôn là “lá cờ đầu” của ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn.
Nhà trường không chỉ lo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy – học, mà còn quan tâm giáo dục lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của quê hương Chi Lăng anh hùng, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, biết bao thế hệ thầy, trò của trường đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ thống nhất đất nước. Hơn 1000 thầy và trò của trường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên tình nguyện lên đường ra trận, gần 60 người đã không trở về, hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều người là thương binh, bệnh binh khi rời quân ngũ trở về quê hương tiếp tục học tập, tiếp tục cống hiến cho quê hương đất nước.
Từ năm 1973 đến 1995, với truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thử thách để phát triển, nhà trường đã tích cực sửa chữa, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất sau chiến tranh, đổi mới nhiều hình thức tổ chức dạy học có hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí nhà trường. Từ tranh tre, nứa lá, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà trường đã xây dựng được một nhà 3 tầng với 12 phòng học khang trang, 8 phòng học cấp 4, một nhà thí nghiệm thực hành, khu hành chính, khu tập thể giáo viên, quy mô lớp học ngày càng tăng. Đây là thời kỳ thầy và trò đã cùng nhau đốt vôi, nung gạch xây trường, đào ao nuôi cá, trồng lúa, trồng khoai khắc phục khó khăn để tiếp tục thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Các lớp “chọn” bắt dầu được hình thành để nâng cao chất lượng mũi nhọn. Kết quả thi học sinh giỏi các cấp và thi đỗ vào đại học cao đẳng ngày càng nhiều hơn.
Từ ngày thành lập đến nay, qua nhiều bước thăng trầm nhưng nhà trường luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo và không ngừng phát triển, từng bước quy hoạch xây dựng kiên cố trường lớp, củng cố vị thế của trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Nhiều chủ trương biện pháp đã được thực hiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả dạy – học như triển khai mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong giảng dạy, chỉ đạo dạy học theo tinh thần “Phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh”. Chỉ đạo một cách quyết liệt với một quyết tâm cao các hoạt động dạy và học. Kết quả tỷ lệ tốt nghiệp ngày càng tăng và ổn định, nhiều học sinh đỗ loại khá giỏi. Kết quả thi đại học tăng về số lượng và chất lượng và là một trong những trường có số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng cao, nhiều học sinh đỗ vào các trường tốp đầu của toàn quốc. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia ngày càng tăng và luôn đứng trong tốp đầu của các trường THPT trong tỉnh.
Nhà trường luôn quan tâm đẩy mạnh giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục môi trường, an toàn giao thông. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp – dạy nghề, giáo dục quốc phòng – an ninh, phòng chống ma tuý, và các tệ nạn xã hội, phối hợp đồng bộ các lực lượng giáo dục, phát huy vai trò của các tổ chức như Đoàn thanh niên, đại diện cha mẹ học sinh trong quản lý giáo dục học sinh. Nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp liên tục được tổ chức như: CLB học mà vui vui mà học, CLB “khám phá biển vàng tri thức”, CLB “nói tiếng Anh”, CLB “Em yêu lịch sử” , tổ chức cho học sinh chăm sóc di tích lịch sử nghĩa trang liệt sỹ huyện, tham quan các di tích lịch sử văn hóa ở trong và ngoài tỉnh và nhiều các hoạt động giáo dục khác. Công tác xây dựng đội ngũ luôn được nhà trường quan tâm cả về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn: tổ chức nghiêm túc có chất lượng học tập các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua. Tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên được học tập nâng cao trình độ. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Triển khai tập huấn nhiều chuyên đề bồi dưỡng giáo viên. Đẩy mạnh phong trào thao giảng dự giờ, kiểm tra nghiệp vụ sư phạm. Cử giáo viên đi đào tạo thêm về chuyên môn và quản lý để triển khai và nâng cao chất lượng dạy và học trong những năm tới. Tạo điều kiện cho giáo viên đi học thạc sỹ , hiện nay nhà trường đã có 12 thạc sỹ và 4 giáo viên đang học cao học, hằng năm có trên 30 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh.
Một trong những niềm tự hào lớn nhất của Trường THPT Chi Lăng là các thế hệ học sinh của trường, sau khi rời ghế nhà trường đã nỗ lực phấn đấu trưởng thành, họ là những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà Nước giữ các cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy…, các sỹ quan và anh hùng quân đội, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh, huyện. Họ là các nhà khoa học, những cán bộ quản lý tài năng, những doanh nhân năng động giàu tình nghĩa, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú …. Đó chính là phần “nguyên khí” mà trường THPT Chi Lăng đã đóng góp cho quê hương đất nước.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Chi Lăng đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, của quê hương Chi Lăng và được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: tháng 3/1995, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; tháng 10/2005, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; tháng 11/2014, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phát huy truyền thống quê hương Chi Lăng anh hùng và hiếu học, truyền thống nhà trường suốt nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường THPT Chi Lăng nguyện tiếp tục vững bước đi lên. Không ngừng đổi mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục giữ vững danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc, khẳng định vị thế trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xứng đáng với lòng tin yêu, sự mong đợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh, xứng đáng với truyền thống của quê hương Chi Lăng anh hùng.
Ý kiến ()