Chủ nhật, 24/11/2024 07:02 [(GMT +7)]
Trường THPT Bình Độ - Sức vươn của một trường khu vực
Thứ 6, 09/12/2011 | 09:27:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một trường THPT khu vực, Trường THPT Bình Độ tuyển sinh con em đồng bào các dân tộc khu vực phía đông bắc huyện Tràng Định gồm các xã Quốc Việt, Đào Viên, Trung thành, Tân Minh và con em nhân dân các xã giáp ranh của huyện Văn Lãng. Trong những năm học vừa qua, thầy và trò Trường THPT Bình Độ (Tràng Định) đã có nhiều cố gắng, từng bước khẳng định mình.
Dãy nhà học của trường THPT Bình Độ khang trang đẹp đẽ |
Với phương châm kiên cố hóa, hiện đại hóa trong công tác xây dựng cơ bản các trường THPT, Trường THPT Bình Độ đã được đầu tư 2 dãy nhà học, nhà làm việc khang trang tạo điều kiện cho học sinh học tập chính khóa và các hoạt động khác. Là một trường khu vực, hầu hết giáo viên của nhà trường đều từ nơi khác đến giảng dạy, nhu cầu ở nội trú là 100%. Để giúp đỡ đội ngũ yên tâm giảng dạy, ngành đã xây dựng 16 phòng công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện cho tất cả giáo viên đều có nơi ăn ở sinh hoạt khá đàng hoàng.
Không phụ lòng mong đợi của nhân dân trong khu vực và xứng đáng với sự quan tâm của ngành, trong những năm học vừa qua, nhà trường đã thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động như phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nghiên cứu và nhận biết được đặc điểm học sinh người dân tộc các xã vùng cao, vùng biên giới; chất lượng giáo dục cấp THCS còn nhiều hạn chế, tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nội trú, nhà trường đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, dạy học tăng thời lượng; động viên, kiểm tra thật tốt giờ tự học của học sinh.
Vì vậy, chất lượng giáo dục đã được nâng lên từng năm; nếu năm học 2007-2008- năm học đầu tiên khi thành lập, tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 77%, đến năm học 2009-2010 là 93,23%, thì năm học 2010-2011 đã đạt 97,65%- trong tốp 10 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp cao của tỉnh. Số học sinh dự thi vào các trường ĐH-CĐ khá đông và tỷ lệ trúng tuyển đạt trung bình 20% mỗi năm.
Trên nền của chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được quan tâm, đội ngũ học sinh giỏi ngày càng đông đảo và năm học 2010-2011 đã có 4 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Phát huy thế mạnh về công tác thể dục thể thao (TDTT) của nhân dân và thanh niên trong khu vực, nhà trường chú trọng công tác giáo dục thể chất theo quy định. Trong gần 5 năm qua, học sinh của nhà trường đã trở thành nòng cốt trong phong trào TDTT của huyện Tràng Định; tham gia các giải thi đấu trong và ngoài ngành đều đạt giải cao.
Nhận xét về vai trò vị trí của nhà trường đối với địa phương và khu vực, đồng chí Chủ tịch UBND xã Quốc Việt nói rằng, như một “đầu tàu”, nhà trường đã góp phần trực tiếp nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực trẻ cho địa phương và các xã trong khu vực. Qua đó, tạo niềm tin, sức vươn về chất lượng của cả hệ thống giáo dục khu vực, từ cấp học mầm non đến THCS phát triển.
Với thời gian chưa nhiều, song Trường THPT Bình Độ đã từng bước tự khẳng định mình trước ngành và xã hội. Song cũng do đặc điểm một trường khu vực, mà nhà trường đang đứng trước những khó khăn trước nhu cầu nội trú của học sinh. Năm học 2011-2012, trong tổng số 350 học sinh, thì học sinh ở xã Quốc Việt chỉ chiếm 41%, học sinh các xã Đào Viên, Trung Thành, Tân Minh và ngoài huyện chiếm đến 59%. Do đường sá xa xôi, nên hầu hết số học sinh này phải trọ học.
Theo tổng hợp của nhà trường, số học sinh phải ở trọ trong năm học này là 206 em, trong đó có 90 học sinh nam và 116 học sinh nữ. Không giống một số trường khu vực khác, do quỹ đất đai ở Quốc Việt có hạn, nên học sinh không có điều kiện để làm lều lán tạm trú, mà phải ở trọ nhà dân. Thăm một số nhà dân khu vực đầu cầu Bình Độ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng về điều kiện ăn ở học tập của học sinh. Một học sinh lớp 12 quê ở xã Tân Minh nói rằng, ba bốn bạn chỉ có một cái giường trong cái chái bếp bà chủ làm ra để cho thuê vừa là nơi ở, vừa là nơi đun nấu, sinh hoạt. Mùa đông còn đỡ, mùa hè dưới cái nóng hầm hập của tấm lợp, thật khó mà chịu nổi.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Hoàng Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, vấn đề nhà nội trú cho học sinh không chỉ là mối quan tâm riêng của nhà trường, mà còn là vấn đề nổi cộm của địa phương. Điều kiện ăn ở chưa đảm bảo, học sinh ở phân tán, rải rác, công tác quản sinh rất khó khăn; thiếu sự quản lý, giáo dục nên tiềm ẩn các TNXH và các vấn đề học đường.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()