LSO-Từ một lớp “nhô” tiểu học với 52 học sinh và 2 thầy giáo cắm bản, mở lớp trên khu đất hoang năm 1998 giờ đã trở thành ngôi trường 2 tầng kiên cố khang trang cùng với đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, hết mình với công tác trồng người. Song khó khăn còn không ít đối với các thầy cô giáo ở vùng rẻo cao này khi mà học sinh phải vượt trên 10km đèo dốc để đến được trường.
|
Thầy và trò trường THCS Hữu Kiên trong buổi tập trung |
Trường THCS Hữu Kiên nằm trên địa bàn xã Hữu Kiên, xã đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, địa hình đồi dốc cao, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 51%, dân cư thưa thớt giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không ít đến việc dạy và học. Ông Hoàng Văn Éng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2010-2011 Trường có 10 lớp học với tổng số 235 học sinh, trong đó trên 75% học sinh nhà xa trường trên 5km, có em phải đi hơn 10 cây số để đến được trường, lo lắng lớn nhất của nhà trường là việc duy trì sĩ số học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học. Có trên 100 học sinh có nhu cầu nội trú, trong khi đó nhà trường chỉ giải quyết được cho hơn 60 học sinh do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt là nước sinh hoạt và các công trình vệ sinh. Nhà trường có 25 CBCNVC, nhiều giáo viên ở khác huyện như Văn Lãng, Cao Lộc, có giáo viên ở tỉnh Bắc Giang nên hầu hết đều ở nội trú. Xa nhà song tất cả đều cố gắng khắc phục khó khăn, yêu nghề, bám trường, bám lớp và làm tốt công tác vận động trẻ đến trường, không bỏ học. Đối với công tác phổ cập giáo dục, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và mở lớp bổ túc đến từng thôn, bản, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Người dân nơi đây đã nhận thức được phổ cập giáo dục là mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao dân trí nên nhiệt tình ủng hộ. Trường được công nhận phổ cập THCS năm 2006. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2009-2010 đạt 100%, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS là 222/309 đạt 71,84%. Trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên, tạo điều kiện cho giáo viên được đi học nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, đến nay đã có 6 giáo viên trình độ đại học và 15 cao đẳng. Trong công tác dạy học, nhà trường thường xuyên tổ chức thăm lớp dự giờ, khảo sát chuyên môn tay nghề của giáo viên, kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, tổ chức hội giảng cấp trường, thiết bị, đồ dùng dạy học được sử dụng thường xuyên. Đa số giáo viên còn trẻ, giàu nhiệt huyết nên việc áp dụng phương pháp dạy học mới được quan tâm, hiện nhà trường đã có 3 máy tính xách tay và hai đầu chiếu nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã được triển khai song chưa thường xuyên vì thiếu phòng học bộ môn, do vậy cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dạy và học. Tuy thiếu thốn là vậy song nhà trường luôn tìm ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Trong năm học 2010-2011, nhà trường đã tổ chức các đợt hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo đồ dùng thiết bị dạy học, tổ chức các buổi học phụ đạo cho học sinh yếu kém, ôn luyện học sinh giỏi ở 2 khối lớp 8 và 9 được 90 tiết, tổ chức 4 lớp phụ đạo học sinh yếu kém được 234 tiết. Với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và công tác “Xã hội hóa giáo dục”, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ và hoạt động TDTT, duy trì ban chỉ đạo học tập cộng đồng, từ đầu năm học đến nay đã tổ chức được 6 lớp với hơn 420 lượt người tham gia về nội dung phòng chống cháy rừng, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội… Hiện nay nhà trường chưa có tường rào bao quanh, sân chưa bê tông hóa, thiếu nước sinh hoạt nên việc xây dựng trường lớp xanh – sạch – đẹp còn hạn chế. Tuy còn nhiều khó khăn song các thầy cô giáo nơi đây luôn xác định nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
Ý kiến ()