Thứ 6, 22/11/2024 19:42 [(GMT +7)]
Trường THCS dân tộc bán trú Mẫu Sơn trong hành trình vượt khó
Thứ 5, 27/09/2012 | 08:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nội trú của học sinh chật chội nhưng ngăn nắp, thầy giáo Lăng Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, đối với học sinh con em đồng bào Dao Mẫu Sơn, đến trường học bán trú cũng có nghĩa là sống và sinh hoạt trong môi trường hoàn toàn khác.
Học sinh lớp 9 trường THCS dân tộc bán trú Mẫu Sơn (Lộc Bình) trong giờ tự học
Năm học này, nhà trường đã tiến hành “xóa” phân trường bên kia núi, thu hút toàn bộ học sinh vào trường bán trú này. Trong những ngày đầu đến trường, đối với các em cái gì cũng lạ, tuy vậy “sức hút” của cái mới, nhất là sự tận tình của thầy cô, sự đùm bọc của các anh các chị lớn tuổi cũng làm cho các em vơi đi nỗi nhớ nhà. Đối với các thầy các cô, họ phải thực hiện nhiều “vai” cùng một lúc, vừa là thầy, là cha, mẹ, là người bạn lớn của các em và trước khi dạy cái chữ, họ phải dạy cho các em kỹ năng sống và sự hòa nhập và trước hết, từ thầy đến trò, mỗi người phải biết đối mặt với những khó khăn để vượt qua.
Dãy nhà chức năng dành để kê giường cho 32 học sinh từ lớp 9 đến lớp 6, phòng công vụ giáo viên biến thành…nhà ăn cho học sinh. Không gian chật chội, phòng ăn được “chuyển loại”từ phòng công vụ, từ bếp nấu bé tẹo, trên trống hoang hoác, kê được cái nồi 60 cũng đã gần hết nửa diện tích đến cái ty vi chẳng đủ chỗ chen cho những học sinh hiếu động…Không tiếp phẩm, không cấp dưỡng, các thầy các cô “chia ca” tự làm tất cả để phục vụ các em. Các thầy cô ở thị trấn Lộc Bình đã biết trước đến “ca” của mình bèn sắp xếp thời gian ra chợ mua gạo, rau, đậu để sáng hôm sau đèo lên trường. Chỉ với 13 nghìn đồng/ 3 bữa/ ngày, thật khó khi xếp khẩu phần ăn cho học sinh trong thời “loạn giá”. Thôi thì mua loại thịt “bạc nhạc”, tóp mỡ về kho với đậu dị cho các cháu. Lúc đầu thấy các thầy cô mua tóp mỡ tại các nhà hàng, các bà ngạc nhiên lắm và cũng lấy với giá khá cao; sau biết mua cho học sinh bán trú, nhiều bà chỉ lấy “vốn” gọi là. Thầy Thọ nói vui rằng “Như nhà nghèo đông con, được cái các cháu được ăn no, thức ăn có rau và chút mặn cũng dễ ăn, nên các cháu hồng hào lên trông thấy. Thầy cô thấy vậy cũng vui”. Khác với năm ngoái, năm nay riêng chế độ tiền trợ cấp cho học sinh được cấp ngay từ đầu năm với mức 40% mức lương cơ bản/ học sinh/ tháng, nên nhà trường đã chủ động được trong khâu “nuôi”, không phải “ ăn chịu, ăn vay” như năm ngoái.
Là cấp THCS, các thầy đã quen với việc dạy theo giờ, nay lại phải đảm nhiệm công tác tổ chức đời sống và quản lý học sinh, sự vất vả là điều không thể tránh khỏi. Chỉ mong sao ngành thực hiện đầy đủ chế độ đối với đội ngũ giáo viên loại hình bán trú, cung cấp đủ kinh phí cho hoạt động của nhà trường theo đúng chế độ chính sách của nhà nước. Trời đã chuyển mùa, thời tiết trên đỉnh Mẫu Sơn đã lạnh về đêm, các thầy đã bắt đầu lo lắng khi mùa đông đến mà các em vẫn phải ở trong khu nhà tồi tàn. Nhìn sang bên kia đồi, khu trạm xá của Mẫu Sơn 2 tầng khang trang mà nhà trường mới nhận bàn giao nhưng không thể có kinh phí cải tạo cho học sinh ở bán trú. Những cô cậu học sinh bé nhỏ, mỏng manh làm sao trụ lại được với gió hú tuyết rơi? Và còn trên 30 học sinh ở các thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Lầy, Khuổi Cấp do không có nơi ở nên vẫn phải đi về hằng ngày và không được hưởng chế độ học sinh bán trú.
Trao đổi với đồng chí Trưởng phòng GD huyện Lộc Bình, chúng tôi được biết kinh phí cải tạo khu trạm xá thành ký túc xá phải hết hơn 1 tỷ đồng. Do không có kinh phí, lãnh đạo phòng đã đề nghị phòng Dân tộc giúp đỡ, được trả lời là không thể, phải đợi Dự án khu du lịch Mẫu Sơn khởi động, khi ấy…may ra.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()