Trường Thanh niên tiền tuyến Huế và hai trí thức nổi tiếng đồng sáng lập
– Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận Trường Thanh niên tiền tuyến Huế như một “hiện tượng lịch sử” độc đáo. Đó là sản phẩm của lòng yêu nước Việt Nam được ánh sáng cách mạng dẫn đường và được tổ chức một cách khéo léo. Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập trường: Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu.
Sau khi đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, trong những nỗ lực kiểm soát Đông Dương, phát-xít Nhật dựng lên nội các Trần Trọng Kim với âm mưu sử dụng bộ máy này cho những toan tính của chúng. Tuy vậy, nhiều người trong nội các Trần Trọng Kim là những trí thức có uy tín với nhân dân, là những nhà giáo, luật gia, nhà báo… và đều có những hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và mỹ thuật), Luật sư Trịnh Đình Thảo (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Luật sư Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên)…
Luật sư Phan Anh, trước đó đã nổi tiếng với những bài viết sâu sắc về văn hóa và pháp quyền trên tờ Thanh Nghị, với tài hùng biện và những vụ tranh tụng bênh vực những chiến sĩ Việt Minh, đã cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu – người nổi tiếng thông tuệ và là một huynh trưởng Hướng đạo sinh có uy tín, phụ trách Trung kỳ – đã tương kế tựu kế của Nhật, lợi dụng tình thế để nắm lấy lực lượng thanh niên Huế, không để Nhật lợi dụng và đưa họ vào một tổ chức có lợi cho đất nước.
Ý tưởng thành lập một tổ chức chính thức để công khai tập hợp và rèn luyện thanh niên bắt nguồn từ đó. Với tinh thần ấy, ngày 2-7-1945, Trường thanh niên tiền tuyến Huế chính thức ra đời với 43 học viên. Họ có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng có chung một bầu nhiệt huyết yêu nước, cùng hăng hái muốn hành động, muốn làm những việc ích nước lợi dân khi đất nước đang có những chuyển biến sôi động.
Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu cũng chọn được hiệu trưởng rất “thích hợp” của trường là ông Phan Tử Lăng. Ông Lăng, khi đó đang là Chỉ huy trưởng Bảo an binh Trung kỳ, là thủ khoa một khóa huấn luyện quân sự của Pháp nhưng cũng là người có tinh thần yêu nước và có cảm tình với phong trào cứu nước của Việt Minh từ lâu. Sau khi Huế giành được chính quyền, ông Phan Tự Lăng là Phó tư lệnh quốc phòng Trung bộ, bên cạnh Tư lệnh Nguyễn Chánh; tháng 3-1946, được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm là Cục trưởng Cục quân chính; năm 1948 được phong quân hàm Đại tá
Hằng ngày, các học viên Thanh niên tiền tuyến Huế đội ngũ chỉnh tề, hát vang những bài hành khúc “Tiếng gọi sinh viên”, Lên đàng”… trên đường đi dã ngoại ở núi Ngự Bình, Nam Giao để tập quân sự, học cưỡi ngựa ở Sở Canh nông, học bơi, học về vũ khí và cả các nghề cơ khí… Trường thanh niên tiền tuyến Huế được Việt Minh hóa nhanh chóng. Ngay trong tuần đầu sau ngày khai giảng, Ban chấp hành Việt Minh của trường được thành lập và hoạt động tích cực đã gây được ảnh hưởng rộng rãi trong trường. Việt Minh Thừa Thiên Huế càng tỏ ra tin cậy lực lượng Thanh niên tiền tuyến bên cạnh khối lực lượng đông đảo của cách mạng. Vũ khí được giao hẳn cho học viên sử dụng đề phòng những tình huống bất trắc với quân Nhật.
Cuối tháng 7-1945, nhóm Việt Minh của trường nhập với Việt Minh toàn tỉnh, thống nhất hành động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Trong những ngày Huế sục sôi khởi nghĩa, những học viên Thanh niên tiền tuyến được phân công những công việc đặc biệt: Treo cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước Ngọ môn (ngày 21-8-1945), bảo vệ cuộc mít-tinh giành chính quyền (ngày 23-8-1945), bảo vệ buổi lễ thu ấn kiếm của Bảo Đại (ngày 30-8-1945), “hộ tống” cố vấn Vĩnh Thuỵ từ Huế ra Hà Nội; bắt những toán quân Pháp đổ bộ vào Huế sau ngày độc lập…
Sau ngày giành chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng phát triển thành 25 trung đội Giải phóng quân Thuận Hóa, thống nhất hành động dưới sự chỉ huy của Uỷ ban quân sự tỉnh. Trong số đó có mười trung đội do các cựu học viên trường Thanh niên tiền tuyến làm trung đội trưởng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, các học viên Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã chiến đấu trên nhiều mặt trận. Được tôi luyện trong khói lửa chiến đấu, nhiều người đã trở thành những cán bộ chỉ huy quân đội xuất sắc. Từ Trường thanh niên tiền tuyến Huế, cách mạng đã có hai Bộ trưởng quốc phòng, tám vị tướng, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín…
Những đóng góp cho cách mạng của Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn, tư tưởng và hành động của những thanh niên sinh viên từ yêu nước đến giác ngộ cách mạng đã được tổ chức một cách khéo léo giữa những điều kiện lịch sử diễn biến khá phức tạp và nhanh chóng ở Huế. Nó cũng cho thấy kết quả và bài học về sự tin tưởng tấm lòng nhiệt huyết của những thanh niên, trí thức dân thân trong sự nghiệp cách mạng.
* Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 17-8, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban liên lạc Cựu học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đã tổ chức gặp mặt và công bố Quyết định công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa cho hai vị đồng sáng lập trường là cố Luật sư Phan Anh và cố GS Tạ Quang Bửu, đồng thời ghi nhận vai trò và tôn vinh những cống hiến, đóng góp của những học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến Huế nói chung.
Rất nhiều bạn bè của hai ông có mặt trong buổi lễ này.
Ý kiến ()