Trường Sa, mùa biển lặng
Không còn là khẩu hiệu nữa, "xanh, sạch, đẹp" đã là một hiện thực sinh động trên khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tháng tư, Trường Sa rộn ràng kỷ niệm ngày giải phóng và cùng hướng về đại lễ Phật Đản với lòng thành kính...
“Tháng Ba, bà già đi biển”.
Câu hát ấy dường như ai ra Trường Sa mùa này cũng nhớ.
Biển xanh quá. Xanh đến nao lòng. Và sóng thật nhẹ, dường như chưa đủ để nhắc mọi người rằng đang đi trên biển.
So với trước đây, chỉ mấy năm thôi, điều kiện đi Trường Sa bây giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Còn nhớ, có lần đi trên tàu HQ 936 chở nước sạch sinh hoạt ra cấp cho các đảo, khi ra, tàu nặng nên chạy đằm, mấy cô văn công cứ cười như nắc nẻ: “Say sóng hả, dễ gì!”.
Và, đồng thanh hát vang vang khúc quân ca Trường Sa: Biển này là của ta Đảo này là của ta Trường Sa…
Đến khi về, nước đã trút cạn trên các đảo, tàu nhẹ nên giằng, lắc kinh hồn. Không còn nghe thấy tiếng nói cười nào nữa. Các cô nằm bẹp dí, cháo trắng cũng nuốt không trôi.
Vậy mà khi đặt chân lên đất liền, giao lưu cùng những tân binh, không hiểu sức lực ở đâu mà các cô bừng dậy múa hát như không hề bị say sóng.
Nay thì con tàu HQ 936 đã được hoán cải, tiện nghi và lịch sự hơn nhiều. Và, dường như, kinh nghiệm dày dạn cũng như tình cảm chân thành của những người lính hải quân khiến đường xa diệu vợi như gần lại; khiến con người như xích gần bên nhau.
Ra tới vùng biển Trường Sa, tàu chúng tôi gặp rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân ta.
Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên biển khiến nhiều người thật sự xúc động. Biển bờ quê hương dài rộng quá.
Chúng tôi đi trên tàu có công suất máy hàng nghìn mã lực mà cứ thấy mình quá nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông sóng nước. Trong khi, tàu ngư dân ra đây, nhiều chiếc công suất máy chỉ nhỉnh trên 100 CV một chút. Có lẽ, bởi vậy mà anh em trong đoàn khi gặp ngư dân luôn dành tặng những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt chia sẻ, nể phục.
Khu vực đảo Đá Tây được bao quanh bởi đá ngầm và san hô, tạo thành một lòng hồ tuyệt đẹp giữa biển khơi, là nơi trú ngụ rất tốt cho tàu thuyền khi gặp giông bão. Từ nhiều năm nay, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây -Trường Sa đã là địa chỉ tin cậy của ngư dân đánh bắt khơi xa trong cung ứng nhu yếu phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa tàu cũng như cấp cứu, chữa trị cho ngư dân mỗi khi bị tai nạn, đau ốm. Ở đây, nhu yếu phẩm, nhiên liệu được bán với giá ngang bằng ở đất liền. Nước sạch sinh hoạt được cấp miễn phí. Tàu, thuyền ngư dân bị hư hỏng được sửa chữa miễn phí. Trong thời gian tàu vào tránh, trú bão, ngư dân được sắp xếp chỗ nghỉ, chăm sóc sức khỏe, giải trí. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây, khi tàu bị hư hỏng, hoặc hết nhiên liệu, lương thực đều phải quay về đất liền, mất nhiều thời gian, công sức, lại rất tốn kém. Nhờ có các khu hậu cần này, ngư dân có thể bám ngư trường dài ngày hơn, sản lượng khai thác nhiều hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, cho nên thu nhập cũng cao hơn.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông Lương Quốc Vinh cho biết: Ngày càng có nhiều tàu cá ngư dân ghé đến Đá Tây. Công ty đang cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân ta đánh bắt, lưu trú dài ngày tại các khu vực đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đá Tây đang được đầu tư xây dựng thành điểm dịch vụ hậu cần và xuất khẩu thủy sản.
Trong khu vực quần đảo Trường Sa còn có âu tàu tại đảo Song Tử Tây, có sức chứa 100 chiếc thuyền công suất lớn vào tránh trú bão, tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa. Theo kế hoạch, trong khu vực này sẽ được đầu tư xây dựng nhiều cảng cá, phục vụ kịp thời nhu cầu đánh bắt của ngư dân.
Trường Sa đang được đầu tư nhiều mặt để sớm trở thành một căn cứ vững chắc của ngư dân ta trong quá trình vươn khơi, bám biển.
Cứ vài năm lại đến, Trường Sa trong mắt tôi như thay áo mới, ấy là những chiếc áo xanh dịu mát không chỉ của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông… mà còn có cả cây ăn trái như xoài, chuối, đu đủ…
Trên khắp các đảo tôi đi qua, “xanh, sạch, đẹp” không còn là khẩu hiệu nữa, mà là hiện thực sinh động trên khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Cây xanh trên chiến hào. Cây xanh trên bãi cát. Người chăm chút cho cây. Cây che chở cho người. Ai cũng biết, nước sinh hoạt ở đây quý như vàng. Và gió ở Trường Sa dữ dằn, thảng thốt. Biết vậy, mới thấy ẩn sau mầu xanh kia là bao nhiêu mồ hôi, công sức của quân dân biển đảo.
Nắng là vậy. Gió là vậy.
Khắc nghiệt là vậy, nhưng hướng tới ngày Đức Phật Đản sinh, năm nay Việt Nam được vinh dự đăng cai Vesak 2014, trên bàn thờ Phật ở chùa Sinh Tồn vẫn có những nải chuối xanh, những trái đu đủ tươi.
Lòng thành con người nơi đây như rộng mở cùng biển, hướng về một cuộc sống yên bình.
Sống cùng biển, người dân Trường Sa có của ăn của để nhờ nghề đi lưới, đi câu. Cá bắt được bán cho bếp ăn bộ đội hoặc làm mắm, phơi khô, khi có điều kiện thì đưa vào đất liền. Một ngư dân tâm sự, nếu tổ chức thu mua tốt, hoạt động đánh bắt ở đây sẽ phát triển mạnh hơn, bởi nguồn lợi thủy sản ở đây vô cùng phong phú.
Chị Nguyễn Thị Chí, Hội trưởng Phụ nữ huyện Trường Sa cho biết, trước đây, người dân trên đảo chỉ được sử dụng điện trong 6 giờ mỗi ngày, vì điện được cấp từ máy phát điện chạy bằng dầu đi-ê-den.
Cuối năm 2009, hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng, cung cấp điện suốt 24 giờ mỗi ngày.
Nhờ đó người dân có thể thoải mái sử dụng các loại thiết bị điện như bàn ủi, tủ lạnh, ti-vi, máy giặt, máy bơm nước…
Ban đêm, từ ngoài tàu nhìn vào, các đảo lung linh ánh điện. Có nguồn điện tốt, đời sống quân dân trên đảo được cải thiện đáng kể và công tác tuần tra, bảo vệ cũng nhiều thuận lợi hơn.
Năm 2013, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức rất thành công cuộc thi báo chí, ca khúc chủ đề “Trường Sa – biển đảo quê hương”, thu hút nhiều cây bút tên tuổi trong và ngoài nước tham gia. Hiện Khánh Hòa đang tiến hành in ấn, phát hành những tác phẩm báo in, những tác phẩm âm nhạc.
Hướng tới, Khánh Hòa tăng cường tuyên truyền trên sóng truyền hình những tác phẩm truyền hình đoạt giải cũng như tổ chức dàn dựng, biểu diễn những tác phẩm âm nhạc được đánh giá cao. Đây là những tư liệu quý giá, phục vụ tốt công tác tuyên truyền về biển đảo.
Trong năm 2014, Khánh Hòa bố trí ngân sách hai tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, các dụng cụ sản xuất cho quân dân huyện đảo Trường Sa. Đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt trong năm 2013 đang được triển khai, đưa vào ứng dụng tại một số đảo ở Trường Sa như “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển”…
Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thư cho biết, toàn đảo đang hòa mình trong đợt thi đua lồng ghép kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa, hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.
Trưa biển đảo thật yên bình.
Nắng pha lê trong xanh.
Đâu đó, có tiếng gà gáy xa xa.
Thinh không vẳng đưa man mác đôi tiếng chuông chùa.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()