Trường Sa, DKI- Một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thiêng liêng
– Đoàn công tác số 15 Quân chủng Hải quân (QCHQ) do đại tá Hoàng Lương Ngọc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn và đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai làm Phó trưởng đoàn, đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Đinh Hữu Học, Phó chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cùng hơn 200 thành viên của 7 tỉnh, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương vừa hoàn thành hải trình thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DKI (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân).
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Hữu Học (thứ ba từ phải qua) nhận giải xuất sắc viết cảm nhận về Trường Sa
Vượt hơn 1 ngàn hải lý đến 5 điểm đảo: Đá Thị, Đá Đông A, Cô Lin, xã đảo Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DKI, đoàn đã thực hiện tốt mục tiêu: “Mang đi tình cảm, mang về niềm tin”. Các hoạt động trên Tàu Kiểm ngư (KN491) về văn hóa văn nghệ, thể thao, thơ ca, bài cảm nhận về Trường Sa, DKI… được các thành viên tích cực tham gia. Tất cả đọng lại trong mỗi thành viên đoàn công tác chính là cảm xúc đẹp của hải trình, là niềm tin mãnh liệt của hậu phương với những người giữ biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc; là tình yêu bất diệt với Trường Sa, Hoàng Sa, DKI; sự tri ân, nể phục bản lĩnh, kiên trung quyết tâm hy sinh vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của những người lính biển. Bởi đồng hành với họ có cả hậu phương luôn bên cạnh, dõi theo đúng với tinh thần: “Cả nước vì Trường Sa, Nhà giàn DKI và ngược lại”…
Thiêng liêng Tổ quốc nơi đầu sóng
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đinh Hữu Học xúc động bộc bạch: “Tôi thật may mắn khi được tham gia hải trình lần này. Chuyến đi đã đưa mạch cảm xúc của tôi từ sự xúc động, cảm phục này đến sự xúc động, cảm phục khác mà trên hết chính là sự kế thừa truyền thống cha ông, sự kiên trung, bất khuất, chí thép của những người đang ngày đêm giữ đảo, giữ biển, nhà giàn của Tổ quốc”.
Đồng chí Đinh Hữu Học tâm sự như vậy bởi khi đồng chí được vào dâng hương Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trước ngày Tàu KN491 rời cảng chuẩn bị hải trình, chúng tôi thấy nước mắt đồng chí đã chảy khi nhìn ngắm các di vật còn lại của 64 liệt sĩ đã ngã xuống, kết thành vòng tròn bất tử, thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển.
Đoàn công tác số 15 thực hiện đạt mục tiêu chính: “Mang đi tình cảm, mang về niềm tin”, Ban tổ chức đã phát động phong trào thi đua “5 nhất” với kết quả đã trao 38 giải thưởng các loại. Trong đó, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đinh Hữu Học đoạt giải xuất sắc viết Cảm nhận về Trường Sa; các thành viên đoàn Lạng Sơn giành nhiều giải thưởng trong phong trào thi đua “5 nhất”… |
Đồng chí lại xúc động, không cất nên lời khi dâng hương chùa Trường Sa, chùa Sinh Tồn, Đền tưởng niệm liệt sĩ và viếng thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chứng kiến phiến đá lớn khắc bài thơ thần “Sông núi Nước Nam” – bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta… Tất cả đều được lưu lại tại thị trấn Trường Sa và Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Tại Nhà lưu niệm Bác Hồ, đọc những lời Bác từng dạy Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308 hiện nay) sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; nhất là câu nói nổi tiếng của Người lúc sinh thời đi cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” xưa kia của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên, Người xúc động đã nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, nhiều thành viên đoàn công tác chỉ biết đứng lặng không nói nên lời…
Đồng chí Đinh Hữu Học chia sẻ: “Hồn thiêng sông núi, bản sắc truyền thống, tầm nhìn vượt thời đại của cha ông ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp tôi và nhiều thành viên hiểu hơn vì sao giữa phong ba, bão táp nhà có thể đổ, cây có thể gãy mà chiến sĩ Trường Sa, quân dân huyện đảo, Nhà giàn vững chí không hề lay chuyển. 64 liệt sĩ hy sinh quyết tâm kết vòng tròn bất tử thề bảo vệ biển đảo cùng những điều tôi và nhiều thành viên chứng kiến đã nói lên tất cả”.
Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh, Trưởng đoàn công tác Vùng 2 Hải quân cùng tham gia hải trình – người đã từng nhiều lần chứng kiến lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp giữ đảo cho rằng, gương hy sinh của anh hùng liệt sĩ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân thời kỳ mới.
Đại tá Phạm Quyết Tiến khẳng định: “Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của Quân đội Nhân dân, Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng; chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng – một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Đây chính là bài học ý nghĩa nhất, sinh động nhất trong luyện rèn chí thép, bản lĩnh kiên trung cho những người lính hải quân ngày nay”.
Vững lời thề quyết tâm giữ biển
Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ. Kết hợp tốt giữa giáo dục chính trị, tư tưởng với truyền thống, giúp mỗi cán bộ chiến sĩ luôn khắc sâu lời dạy của Bác. Từ đó, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí bản lĩnh sắc son, tình yêu gắn bó với biển, đảo Tổ quốc, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của hải trình, chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe trung trung tá Trần Danh Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn kể nhiều câu chuyện liên quan đến việc khơi gợi hồn thiêng sông núi và nghĩa tình thủy chung nơi đảo xa. Đặc biệt, đúng ngày Đoàn công tác số 15 Quân chủng Hải quân lên thăm xã đảo Sinh Tồn cũng là ngày đất liền đưa tang mẹ của trung tá Lê Đình Nam, Trưởng Đoàn công tác Xưởng X201, Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật đang thực hiện nhiệm vụ phối hợp sửa chữa tại xã đảo Sinh Tồn.
Trên 220 thành viên đến từ 7 tỉnh, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương… đã thực hiện nhiều nội dung nhằm xanh hóa Trường sa. Tổng kinh phí ban đầu trên 6,2 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Đồng Nai đã trao tặng 5 tỷ đồng Xanh hóa trường sa và trên 800 triệu đồng hỗ trợ các điểm đảo, nhà giàn DKI/15 thực hiện nhiệm vụ. |
Trung tá Trần Danh Hoàng bộc bạch: “Khi hay tin trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và xa xôi, cách biệt, chúng tôi đã xin phép Quân chủng Hải quân, Tổng cục Kỹ thuật được đưa di ảnh mẹ của trung tá Nam về lập ban thờ để anh em đơn vị và quân dân xã đảo đến động viên, chia buồn”…
Thượng tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa chỉ cho chúng tôi nơi lưu giữ những cuốn sổ được gọi tên “Tâm tình đồng đội”.
Mở cuốn sổ bắt gặp ngay dòng chữ nắn nót của binh nhất Cao Hoàng Đông, chiến sĩ Cụm đảo số 2, thị trấn Trường Sa đã viết rằng: Vừa mới đây thôi, tôi còn là tân binh cầm súng chưa quen tay, giờ đã trở thành người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Thật tự hào khi bố tôi từng là lính đảo Trường Sa. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm động lực và luôn tự nhủ phải cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Ông Chính cho rằng, sổ “Tâm tình đồng đội” là không gian tinh thần để cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ giãi bày tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, giúp cán bộ quản lý nắm chắc tư tưởng, có giải pháp phù hợp, kịp thời để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong thực hiện nhiệm vụ…
Thiếu tá Lê Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Nhà giàn DKI/15 bộc bạch: “Chị cứ thử hình dung nếu một ngày thôi, chỉ ở trên Nhà giàn với mênh mông sóng nước, chưa kể những hôm trời dông bão, một người bình thường sẽ khó lòng chịu đựng. Nhưng với bộ đội Nhà giàn thì việc bám trụ hết ngày này qua ngày khác không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim những người giữ biển, giữ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc – như lời hát: “Sóng gió mặc sóng gió! Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chông chênh! Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió! Lính Nhà giàn thề không ngại khó. Mưa giông mặc mưa giông! Lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng…” – Bài hát Lính Nhà giàn đón Xuân của Nhạc sĩ Thập Nhất…
Đại tướng Phan Văn Giang đã từng nói: “… Tôi xin khẳng định với các đồng chí, những ai đã từng một lần đến Trường Sa, Nhà giàn DKI khi quay trở về sẽ yêu Tổ quốc mình hơn rất nhiều”…
Hải trình đoàn công tác số 15 đã khép lại, trong sâu thẳm trái tim mỗi thành viên đều tự hứa với bản thân mình về những nỗ lực trong thời gian tới bằng những việc làm cụ thể, cố gắng lan toả tình yêu biển, đảo, nhà giàn đến với cộng đồng. Đồng thời, có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để xứng đáng hơn với sự hy sinh lớn lao của những người giữ biển, đảo, nhà giàn thềm lục địa Tổ quốc. Trường Sa không xa! bởi Trường Sa luôn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, bằng cả tình yêu, trách nhiệm và lòng tự hào.
Ý kiến ()