Thứ 4, 25/12/2024 13:43 [(GMT +7)]
Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn (Cao Lộc): Tiến độ phổ cập và những vấn đề đặt ra
Thứ 6, 28/12/2012 | 10:04:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Dương Múi Pham, học sinh lớp 8, Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) ở thôn Khuổi Đeng cho biết: 2 năm trước đây, cháu phải mang gạo từ nhà đến trường để 2 chị em ăn học, nay nhờ có nhà nước quan tâm nên cả 4 chị em đều yên tâm học tập tại mái trường này.
Học sinh lớp 4 trường phổ thông dân tộc bán trú Mẫu Sơn
Không chỉ riêng trường hợp của gia đình em Dương Múi Pham, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn có đến 3 trường hợp có 4 anh chị em cùng học, hàng chục trường hợp có 3 anh chị em và phần lớn là có 2 anh chị em cùng học. Hình thành từ mô hình bán trú dân nuôi, năm học 2011-2012, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là niềm vui lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mẫu Sơn (Cao Lộc). Trên cơ sở ngôi trường THCS cũ, ngành GD&ĐT Cao Lộc đã vận động các cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm để góp sức nâng cao năng lực huy động các cháu ra lớp, từng bước ổn định công tác nuôi và dạy để nâng cao chất lượng giáo dục. Khác với các trường PTDTBT ở các địa phương, Trường PTDTBT tiểu học và THCS xã Mẫu Sơn gồm 2 cấp học theo quy định, song trên thực tế, trường có 3 cấp học, bao gồm cả mầm non. Toàn xã Mẫu Sơn chỉ có 112 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, song phân bố trên một địa bàn rất rộng, xen kẽ với các thôn của xã Xuất Lễ. Địa hình đã phức tạp với núi cao, suối sâu, có thôn bản lại cách xa trung tâm đến 20 km nên công tác chỉ đạo dạy và học cũng như đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC) khá nan giải. Thầy giáo Tô Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài trường chính tập trung học sinh bán trú, còn có đến 5 điểm trường gồm các phân trường mầm non và các lớp ghép tiểu học trình độ lớp 1-2; học sinh lên lớp 3 sẽ được huy động ra trường chính và được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước. Quyết tâm của toàn hệ thống chính trị địa phương cộng với tinh thần vượt khó của đội ngũ các thày cô giáo, loại hình PTDTBT có cấp học mầm non đã dần đi vào nền nếp và khẳng định tính phù hợp với thực tế của địa phương. Đến nay nhà trường đã có 19 lớp với 166 học sinh, trong đó cấp học mầm non có 6 lớp với 50 học sinh, tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ đạt 27,2%, trẻ ra mẫu giáo đạt 94,1% (trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%); cấp tiểu học có 9 lớp với 62 học sinh, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% (có 31 học sinh thuộc diện bán trú); cấp THCS có 4 lớp với 54 học sinh, tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 6 đạt 100%.
Khó khăn về công tác giáo dục của xã Mẫu Sơn luôn là trăn trở của ngành GD huyện Cao Lộc, trong suốt 10 năm qua bằng rất nhiều công sức, song Mẫu Sơn vẫn chưa thể hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Song chỉ trong 2 năm phấn đấu, cuối năm 2011, địa phương đã hoàn thành và được công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi với tỷ lệ 84,6% trẻ trong độ tuổi hoàn thành chương trình tiểu học và đến tháng 12 này, xã đang hoàn tất hồ sơ để được công nhận phổ cập THCS với tỷ lệ 71,2% dân số trong độ tuổi có bằng tốt nghiệp THCS. Nếu xét các tiêu chí về tỷ lệ huy động, thực hiện chương trình mầm non mới và công tác xã hội hóa giáo dục thì Mẫu Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định 239 của Chính phủ.
Hiệu quả của mô hình PTDTBT ở Mẫu Sơn đã rất rõ ràng. Tuy vậy, điều kiện ăn ở, sinh hoạt về vật chất và tinh thần của học sinh và giáo viên vẫn rất khó khăn. Sống tập trung trên một địa hình rừng núi với một CSVC cũ kỹ, đang xuống cấp từng ngày; tiêu chuẩn Nhà nước cấp có hạn, để có được một bữa ăn ngon, một buổi được xem ti vi đối với các cháu là cả một vấn đề. Cô giáo Lộc Thị Phấn, Phó Hiệu trưởng nói rằng, muốn cho các cháu tăng gia cải thiện đời sống cũng chẳng có đất mà trồng rau, có được chiếc ti vi thì thời gian mang đi sửa chữa nhiều hơn thời gian được xem. Trong căn phòng chưa đầy 40m2 cũ kỹ có tới 39 cháu sinh hoạt và nghỉ ngơi; toàn trường có 38 cán bộ giáo viên nhân viên thì có đến 32 người phải ở nội trú, trong khi chỉ có 10 phòng công vụ.
Huyện Cao Lộc có 2 trường PTDTBT tiểu học và THCS là Công Sơn và Mẫu Sơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành GD đã rất quan tâm đến mô hình này với sự đầu tư khá thỏa đáng, đảm bảo các điều kiện tối thiểu để nuôi dạy các cháu. Tuy nhiên, trong tiến trình phổ cập giáo dục mầm non ở 2 xã này cần phải tính đến yếu tố đặc thù; có như vậy công tác giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng ở các xã này mới theo kịp tiến độ chung.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()