Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Lợi Bác: Chủ động nguồn cung thực phẩm xanh
(LSO) – Thời gian qua, để chăm lo tốt cho học sinh bán trú, ngoài thi đua dạy tốt, học tốt, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình còn tận dụng đất đai, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chủ động thực phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 6 lớp học với 171 học sinh, trong đó có 85 học sinh ở bán trú và 144 học sinh hưởng chế độ ăn bán trú tại trường. Học sinh ở đây 100% là người dân tộc thiểu số, có những em nhà cách xa trường đến gần 20 km, hoàn cảnh gia đình của các em đều rất khó khăn nên ngoài chế độ hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước dành riêng cho học sinh bán trú thì rất khó kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm. Cùng đó, với số tiền được hỗ trợ cho học sinh bán trú như hiện nay (gần 600 nghìn đồng/học sinh/tháng) và giá thực phẩm tại thị trường ngày một tăng cao, nhất là giá thịt lợn, sẽ rất khó tổ chức sinh hoạt đảm bảo cho học sinh, ảnh hưởng đến đời sống, chất lượng dạy và học. Trước thực trạng trên, nhà trường phát động cán bộ, giáo viên, học sinh thi đua tăng gia sản xuất. Các thầy, cô giáo và học sinh tranh thủ thời gian giờ nghỉ, ngày nghỉ, làm đất trồng các loại rau xanh phục vụ bữa ăn bán trú.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lợi Bác chăm sóc vườn rau
Chỉ cho chúng tôi những luống rau xanh mướt mắt do chính tay giáo viên và học sinh nhà trường trồng, cô La Thu Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban đầu chỉ là tận dụng các khoảng đất quanh trường để trồng một số loại rau với mục đích giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và bổ sung thực phẩm tươi cho bếp ăn, nhưng sau khi thấy học sinh rất hăng hái tham gia, nhà trường đã phát động phong trào tăng gia sản xuất để chủ động thực phẩm an toàn tại chỗ, phục vụ đời sống cán bộ, giáo viên, học sinh bán trú. Qua phát động, các em học sinh rất nhiệt tình hưởng ứng. Đến năm học 2019 – 2020 này, nhà trường đã liên hệ với người dân cho mượn hơn 2 sào đất ruộng cạnh trường để trồng thêm rau xanh, vừa để tổ chức hoạt động trải nghiệm, giúp các em tìm hiểu kiến thức nông nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thức ăn sạch phục vụ cho chính bữa ăn hằng ngày của các em tại trường.
Sau giờ học, nhà trường đã tổ chức cho thầy, cô cùng các em học sinh bán trú trồng rau xanh trong các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong đó các giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh cách gieo hạt, nhổ cỏ, hái rau… Vườn rau hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ bón phân hữu cơ. Các loại rau được trồng chủ yếu là rau bắp cải, súp lơ, xà lách, su hào,… Mùa nào thức ấy, bốn mùa, học sinh nhà trường đều có rau xanh để cải thiện bữa ăn, đảm bảo chất lượng, tạo cảnh quan xanh mát trong khuôn viên nhà trường.
Nhờ công sức của giáo viên và học sinh, những khoảng đất trống trước kia là cỏ dại nay đã biến thành những luống rau tươi tốt. Sau mỗi giờ học căng thẳng, cùng với các hoạt động thể dục thể thao, các em lại được tham gia trồng, chăm sóc vườn rau, giúp các em giảm bớt căng thẳng trong học tập và có thêm kiến thức về nông nghiệp. Được biết, từ những luống rau nhỏ bé này, năm học 2018 – 2019, các em đã trồng và thu được hơn một tấn rau xanh các loại, đáp ứng phần lớn nguồn cung rau xanh cho bếp ăn của nhà trường. Nhờ đó, tiền hỗ trợ ăn bán trú của các em được dùng để mua thêm các loại thực phẩm, đáp ứng tốt hơn chất lượng bữa ăn cho chính học sinh.
Em Hoàng Thị Hoài, học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lợi Bác chia sẻ: Được ăn, ở, học tập tại trường giúp chúng em có nhiều thời gian hơn để học tập. Ngoài ra, em được thầy cô hướng dẫn áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, hướng nghiệp, sau các giờ nghỉ chúng em được tham gia trồng, chăm sóc vườn rau và tự tay hái những bó rau xanh mang lên bếp ăn khiến em rất vui và thấy rất ý nghĩa khi thấy thành quả lao động của mình.
Tuy với diện tích đất hạn chế, kinh phí có hạn, rau sạch tự trồng dù không đáp ứng đủ nhu cầu ăn hằng ngày của học sinh nhưng mô hình này đã góp phần không chỉ cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa mà còn tạo thêm động lực, nâng bước các em đến trường, giúp học sinh tránh xa những hoạt động vô bổ sau giờ học. Qua đó, tạo sự tin tưởng của phụ huynh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Ý kiến ()