Thứ 6, 22/11/2024 06:23 [(GMT +7)]
Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Kiên: Từng bước vượt khó đi lên
Thứ 3, 18/12/2012 | 10:47:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2011-2012, Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đã từng bước vượt qua khó khăn để nâng cao chất lượng nuôi dạy con em đồng bào các dân tộc.
Giờ tự học của các em học sinh lớp 7 Trường PTDT bán trú THCS xã Hữu Kiên
Cách đây 3 năm, do tính chất “dân nuôi” nên việc ăn ở sinh hoạt của học sinh rất luộm thuộm theo kiểu “được chăng hay chớ”. Phòng ở đã chật chội lại lỉnh kỉnh xoong nồi, bát đĩa, thau chậu, can nước, bàn học kiêm luôn bàn ăn lúc nào cũng đen nhẻm nhọ nồi. Trong căn phòng tạm dành làm nơi đun nấu có đến vài chục cái bếp nhỏ; gia đình các em chỉ có thể cung cấp được gạo, ngô, còn thức ăn chủ yếu dựa vào cây củ trong rừng…Nay đã đổi khác, vẫn những căn phòng ấy nhưng đã ngăn nắp sáng sủa hơn; có bếp tập trung, có cấp dưỡng, có nguồn cung cấp thực phẩm nên bữa ăn của các cháu đã khá hơn nhiều. Cho chúng tôi xem bảng thực đơn của từng bữa, thầy giáo Hoàng Văn Viện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo chế độ của nhà nước, mỗi học sinh được 420 ngàn đồng/ tháng; trong điều kiện nguồn lương thực thực phẩm ở xa, nhà trường đã phải khéo xoay xở lắm mới lo đủ cho các cháu 3 bữa/ ngày.
Vốn là địa bàn đặc biệt khó khăn, có nhiều thôn bản xa trung tâm xã trên 10 km, học sinh không thể đi về được trong ngày, nên việc huy động học sinh ra lớp của cấp THCS gặp nhiều trở ngại. Không phải vì người dân xã Hữu Kiên không thiết tha đến sự học, mà thực sự có một đứa con đi học cấp THCS là cả một vấn đề. Từ khi chuyển đổi loại hình trường và các cháu có chế độ của nhà nước, người dân Hữu Kiên rất phấn khởi, nhà nước nuôi ăn, cấp sách vở, nơi ở, các thầy các cô quản lý. Vì vậy trong 2 năm gần đây, tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành cấp tiểu học vào lớp 6 đã đạt 93%. Năm học này, Trường PTDT bán trú THCS Hữu Kiên có 251 học sinh, trong đó có 196 em được hưởng chế độ bán trú của nhà nước. Từ việc chú tâm vào chuyên môn giảng dạy sao cho đủ giờ đủ tiết và đảm bảo chất lượng, nay đội ngũ giáo viên của trường phải lo luôn công tác quản lý, ăn ở và rèn luyện của học sinh. Cô giáo Vi Thị Hồng Nhung cho chúng tôi biết, nhân dân đã gửi gắm con em họ cho nhà trường, nhà nước đã có chế độ cho các em, mỗi cán bộ giáo viên nhà trường luôn suy nghĩ và làm việc làm sao để xứng đáng với lòng tin của nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của ngành giao phó. Được ở nội trú, được ăn tập thể, sinh hoạt tập thể và học tăng thời lượng, được vui chơi với bè bạn cùng trang lứa, học sinh THCS Hữu Kiên rất vui. Em Nông Thị Thế học sinh lớp 7, nhà ở thôn Ba Ngân nói với chúng tôi: “ Nhà cháu có 11 anh chị em, cháu là con thứ 10. Đông anh em quá, cuộc sống rất khổ cực. Nay nhà nước cho tiền ăn học, cháu rất vui”. Còn em Vi Thị Huyền, học sinh lớp 9 thì lại so sánh hồi mới vào lớp 6 còn rất bé, cứ thứ 7 lại đi bộ 3 tiếng đồng hồ, vượt đèo núi về nhà lấy gạo, lấy ngô ra trường tự nấu ăn. Thức ăn không có, hết giờ học lại vào rừng kiếm măng, kiếm nấm, lá rừng về nấu canh với muối; nhiều khi bữa ăn chỉ có cơm ngô với chút muối và nước lã. Nay thì khác rồi, cơm ăn no, thức ăn lúc nào cũng có rau xanh, thịt hoặc cá…
Điều dễ nhận thấy sau 2 năm chuyển đổi loại hình từ “bán trú dân nuôi” sang trường PTDT bán trú là chất lượng giáo dục toàn diện của trường đã được nâng lên. Học sinh đã bạo dạn hơn, gặp thầy cô, người lớn đã biết chào hỏi lễ phép. Thầy hiệu trưởng cho biết, ngoài việc học tăng thời lượng, quản lý tốt giờ tự học để nâng cao chất lượng văn hóa, nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự bảo vệ. Tuy vậy, điều kiện vật chất của nhà trường rất thiếu thốn so với quy định của loại hình, CSVC phục vụ việc ăn ở từ nguồn nước, nhà ăn, bàn ăn, dụng cụ cấp dưỡng, giường nằm…đến trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao như ti vi, loa đài, thư viện, dụng cụ thể dục thể thao đều quá thiếu thốn, khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ của trường rất khó khăn.
Hai năm, thời gian chưa đủ để nhà trường đi vào hoạt động thực sự có nền nếp. Song 2 năm là cả một quãng thời gian nhà trường luôn vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Thiết nghĩ, ngành GD&ĐT, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức xã hội huyện Chi Lăng cần quan tâm nhiều hơn để nhà trường có điều kiện hơn trong hoạt động theo quy định của Thông tư số 24/2010 của Bộ GD&ĐT.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()