Trường Phổ thông dân tộc bán trú: Đòn bẩy đưa giáo dục vùng cao phát triển
(LSO) – Số lượng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú ngày càng được củng cố và mở rộng đã góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng các mặt giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để tìm hiểu về mô hình trường học này, chúng tôi có dịp đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) – THCS xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình. Thầy giáo Hứa Thái Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được chuyển đổi mô hình dân tộc bán trú từ năm 2011, năm học 2018 – 2019 này nhà trường có 169 học sinh theo học, trong đó có hơn 80 học sinh ở nội trú. Ở đây, các em học sinh được hưởng các chế độ, chính sách như: hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, miễn giảm học phí… Quan trọng nhất với mô hình trường PTDTBT, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt tập trung, được tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Với những học sinh ở vùng khó khăn, điều kiện đi lại xa xôi, khi được học trong các trường PTDTBT đã “tiếp sức” cho việc học của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bởi cùng với việc được hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP và Nghị định 86/2015/NĐ-CP về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục; hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh, các trường còn được đầu tư cơ sở vật chất nhà ở, nhà bếp, công trình vệ sinh, nước sạch, giúp các em ở xa được ăn, ở nội trú tại trường. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả công tác giáo dục như: duy trì ổn định sĩ số, nâng cao chất lượng học tập.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm, kiểm tra cơ sở vật chất phòng ở của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình
Em Dương Kim Long, học sinh Trường PTDTBT – THCS xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình chia sẻ: Do nhà xa, đường khó, vào mùa mưa, đường lầy lội, đi lại khó khăn khi đến được lớp học thì quần áo, sách vở đều ướt đẫm, việc học vì thế cũng gián đoạn. Nên khi được học và ăn ở tại trường, được nhà trường nấu ăn, có nhà bán trú để ở nên chúng em có thời gian học tập, vui chơi thoải mái hơn và không ngại mỗi khi trời mưa phải đi về nữa.
Thực tế, với mô hình này, sau mỗi buổi tan học thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi, nay các em được ở lại ăn, ngủ, học ngay tại trường trong những căn phòng ấm cúng và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Hơn nữa, ngoài việc học chính khóa, các em còn được ôn tập, củng cố kiến thức, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cũng như đẩy mạnh các hoạt động, phong trào rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Được biết, việc chuyển đổi một số trường học ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo mô hình trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2011 với 8 công trình trường PTDTBT được xây dựng. Sau 2 năm thực hiện, với hiệu quả của mô hình trường học này, đến năm 2015, toàn tỉnh có 33 trường PTDTBT tại 29 xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, theo thống kê toàn tỉnh có tổng số 99 trường PTDTBT, trong đó có 38 trường PTDTBT Tiểu học; 40 trường PTDTBT – THCS; 21 trường PTDTBT Tiểu học – THCS.
Thông qua mô hình trường học này, chất lượng giáo dục vùng khó cũng được nâng cao, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số xếp loại hạnh kiểm khá, tốt năm học 2017 – 2018 tăng trên 10% so với năm học 2010 – 2011; học lực khá, giỏi tăng trên 11%; kết quả học sinh DTTS tốt nghiệp tăng từ 86,5% (năm 2010) lên hơn 87% (năm 2018)…
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong duy trì, tổ chức bán trú cho học sinh, song những lợi ích thiết thực của mô hình này đã tạo nền móng để phát triển giáo dục vùng khó. Bởi vậy, hằng năm sở thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt nền nếp đối với học sinh bán trú, phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được. Ngành cũng tăng cường nguồn lực đầu tư cho các trường có học sinh bán trú; đầu tư cơ sở vật chất phòng ăn, phòng ở, phòng vệ sinh; tăng cường nguồn lực xã hội hóa; phát huy phong trào lao động sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học sinh…

Ý kiến ()