Trường ngoài công lập "lờ" chuyện công khai học phí
Trong thi tuyển sinh những năm gần đây, việc các trường công khai mức học phí trong cuốn Những điều cần biết về thi tuyển sinh là yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, quy chế “ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai: Mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho hai năm học tiếp theo… Nghị định 49/2010/NĐ-CP cũng quy định các trường ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí nhưng phải công khai học phí cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học. Việc công khai học phí giúp thí sinh có đầy đủ thông tin khi lựa chọn trường dự thi, nhất là lựa chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình để theo học nếu trúng tuyển. Trong cuốn Những điều cần biết về thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, một số trường ngoài công lập đã thực hiện khá nghiêm túc việc công khai học phí như: Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) thu phí dự kiến ổn định trong cả khóa học từ 11,780 triệu đồng đến 15,980 triệu đồng/sinh viên/năm; Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế) từ 3,250 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/kỳ học; Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) từ 18 đến 18,5 triệu đồng/năm tuỳ theo ngành học, bậc học…
Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, khi Bộ GD và ĐT trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có việc tự chịu trách nhiệm về các thông tin, thi, tuyển sinh, cho nên bên cạnh một số trường thực hiện nghiêm túc thì nhiều trường ngoài công lập đã “lờ” chuyện công khai học phí và các thông tin cần thiết cho thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi. Phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập như: Thành Đô, Thành Tây, Quốc tế Bắc Hà, Hòa Bình, FPT (Hà Nội), Phan Châu Trinh (Quảng Nam), Công nghệ Sài Gòn, Dân lập Văn Lang (TP Hồ Chí Minh)… đều hạn chế thấp nhất thông tin của trường mình. Hiện nay, mức học phí của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có một khoảng cách khá lớn với các trường công lập. Năm 2011, một số trường có mức học phí “khủng” như: Trường đại học FPT thu khoảng 20 triệu đồng/sinh viên/kỳ, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP Hồ Chí Minh học phí bình quân 6,9 triệu đồng/tháng, chưa kể học phí tiếng Anh… Vì vậy, những thông tin về học phí không được công khai thì người chịu thiệt thòi vẫn là thí sinh, nhất là với những thí sinh khu vực nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi vì học phí quá cao là áp lực tài chính rất lớn cho gia đình thí sinh, những năm trước đã có thí sinh trúng tuyển nhưng bỏ học vì mức phí quá cao. Cho nên, ngay khi đăng ký dự thi ngoài việc xác định khả năng học tập, cơ hội việc làm sau khi ra trường thì việc lựa chọn mức chi phí học tập phù hợp với “túi tiền” cũng là quan tâm của rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi.
Có thể nói, sau hai tuần làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần có những thông tin công khai, nhất là công khai học phí của các trường ĐH, CĐ, thì mới có lựa chọn hợp lý. Để đáp ứng nhu cầu thí sinh, Bộ GD và ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ công bố công khai các thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy trên trang thông tin của trường, bảo đảm thống nhất với các thông tin đã đăng tải trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012” và trang thông tin của Bộ GD và ĐT. Trong đó cần thông tin chi tiết về ngành, chuyên ngành đào tạo, chương trình đào tạo, tổng chỉ tiêu và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành, điều kiện và phương thức tuyển sinh… Riêng đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải thông báo về mức học phí của từng ngành trên trang thông tin của trường và báo cáo về Vụ Giáo dục ĐH trước ngày 25-3 để đăng tải trên trang thông tin của Bộ GD và ĐT. Tuy nhiên, đã quá thời hạn trên, ở cả trang thông tin điện tử và trang thông tin thi, tuyển sinh của Bộ GD và ĐT vẫn không có thêm thông tin về học phí các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được công bố. Thậm chí, Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), Trường ĐH tư thục công nghệ thông tin Gia Định (TP Hồ Chí Minh)… đến ngày 28-3 vẫn chưa có thông tin học phí trên trang thông tin điện tử của trường. Điều đó đòi hỏi Bộ GD và ĐT cần có biện pháp kiên quyết xử lý các trường “lập lờ” học phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho thí sinh.
Ý kiến ()