Trường nghề... mòn mỏi tuyển sinh
Hằng năm, đến tháng 9, học sinh, sinh viên các trường đào tạo nghề đã ổn định nhập học. Nhưng đến nay nhiều trường vẫn mòn mỏi chờ học viên khi tuyển chưa đủ chỉ tiêu.
Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tính đến ngày 15-8, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới tuyển sinh được 75.000 người học, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021. Vậy các trường nghề xoay xở thế nào trong tình hình tuyển sinh khó khăn?
Vì đâu nên nỗi?
Khi phóng viên Báo Quân đội nhân dân hỏi về tình hình tuyển sinh tại các trường nghề thì đều nhận được những cái lắc đầu chán nản. Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trước dịch Covid-19 vốn là khá “hot” nhưng năm nay cảnh tuyển sinh đìu hiu, vắng lặng. Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội than thở: “Hiện nay, trường mới tuyển được hơn 1.000 sinh viên đăng ký nguyện vọng 1 trong tổng số 2.200 chỉ tiêu. Những năm trước, trường tuyển sinh một lần là đủ hồ sơ đăng ký nhập học”. Cùng cảnh này, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội hiện mới tuyển sinh được 170 học sinh trong tổng chỉ tiêu 700.
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (giữa) tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2020. |
Cảnh chờ đợi học viên cũng diễn ra ở hầu hết các trường. Lãnh đạo nhiều trường cho rằng, việc tuyển sinh hạn chế phần lớn có nguyên nhân sâu xa vì dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài. Nguồn lực của người dân hạn chế, dịch kéo dài khiến kinh tế các gia đình càng khó khăn hơn. Trước đây, nếu không đủ tiền đi học, một số nhà có thể tính đến việc đi vay trước rồi con em họ đi làm trả nợ sau. Nhưng với tình hình hiện nay, các gia đình buộc phải tìm đến những phương án khác ngắn hạn hơn. TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: “Công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó một phần do quy mô tuyển sinh đại học ngày một gia tăng. Phương thức tuyển sinh đa dạng, dễ dàng đã thu hút khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp còn đặt ra vô vàn khó khăn cho các trường đào tạo thực hành, vốn là thế mạnh của các trường nghề. Thông thường, các trường đào tạo nghề thường học một phần lý thuyết, còn lại đều bảo đảm từ 50 đến 70% thời gian thực hành. Giãn cách xã hội kéo dài khiến các trường chỉ có thể quay video hướng dẫn rồi gửi tới học sinh, sinh viên. Biện pháp này chỉ là cách làm tình thế, bởi nếu muốn người học thạo nghề thì họ phải được cầm tay, chỉ việc, thực hành… Ngoài khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội cho biết, thiếu cơ sở vật chất cũng là một nguyên nhân. Hiện trường đã phải dừng tất cả các dự án vì dịch Covid-19. Thậm chí cơ sở Sơn Tây của trường đã tuyển sinh được nhưng đành mất học sinh vì không có phòng học do những dự án xây mới, sửa sang của trường không triển khai được. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết, sau gần hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường nghề ngoài công lập rơi vào cảnh kiệt quệ vì không còn kinh phí duy trì bộ máy, cơ sở vật chất, giáo viên nghỉ việc. Thậm chí nhiều trường đi thuê mặt bằng muốn trả lại cũng không được vì vẫn còn học sinh, sinh viên.
Vượt khó
Khó khăn là vậy nhưng hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng nghề đều nhận định đây là tình hình chung, chưa biết bao giờ dịch kết thúc. Vì thế, nếu muốn tồn tại, đặc biệt khi cơ chế tự chủ càng ngày càng mạnh mẽ, buộc các trường phải thay đổi, thích ứng càng nhanh càng tốt. Mô hình tốt nhất để thực hiện lúc này là các trường tổ chức học sinh, giáo viên ở lại trường, đào tạo và thực hành nghề tại chỗ. Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp với những trường có ký túc xá cho giáo viên, học sinh, cung cấp nguyên vật liệu dễ, có đầu ra cho sản phẩm… Quan trọng là không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chi trả những khoản phí phát sinh khi học viên ăn ở, học tại trường.
Trong bối cảnh khó khăn đó, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn-Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội xác định thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc trong toàn trường, từ lãnh đạo, quản lý tới giáo viên, nhân viên. Quan trọng nhất lúc này là tăng cường chất lượng đào tạo, vì thế trường phải chỉnh sửa chương trình để phù hợp với thực tế nhưng vẫn bảo đảm 2/3 thời gian học sinh được học thực hành. Trường đang tiến hành xây dựng ngân hàng bài giảng, ngân hàng dữ liệu câu hỏi kiểm tra trực tuyến; trực tuyến kết hợp trực tiếp để trong bất cứ tình huống nào cũng chủ động truyền đạt được nhiều nhất kiến thức, kỹ năng cho học viên.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Hùng, ông Trịnh Cao Khải nêu quan điểm đầu tư cho giáo dục phải dài hơi và mang lại giá trị cho xã hội. Vì thế, trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, trường thể hiện trách nhiệm với người học, với xã hội bằng việc giảm trực tiếp học phí 30% cho người học. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế của trường. Để thuận lợi hơn cho nhiều người học, Nhà nước cần tạo cơ chế vay vốn thuận lợi, giảm các thủ tục rườm rà. Cả hệ thống vào cuộc mới có thể cùng nhau vượt qua đợt bão dữ này”, ông Trịnh Cao Khải nói.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()