Trường nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định phải được hưởng chính sách ưu đãi
Một băn khoăn của rất nhiều trường nghề đã tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề là họ được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nhưng dường như vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi so với các trường kiểm định chưa đạt chất lượng và những trường không tham gia kiểm định.
Nhiều trường nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đề nghị cầnđược |
Cơ sở dạy nghề né kiểm định
Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh&Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2013. Đây là năm thứ 6 Tổng cục Dạy nghề triển khai công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở dạy nghề và là năm thứ hai công tác kiểm định thực hiện theo quy trình kiểm định mới, quy định tại Thông tư số 42/2011 của Bộ LĐ-TB và XH.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình – Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, trong năm 2013, bên cạnh các cơ sở dạy nghề được tham gia kiểm định chất lượng đã thực hiện tốt công tác tự kiểm định chất lượng dạy nghề vẫn còn một số cơ sở dạy nghề thực hiện còn chưa tốt mặc dù đã được đào tạo cán bộ tự kiểm định chất lượng dạy nghề.
Số lượng các cơ sở dạy nghề có nguyện vọng kiểm định chất lượng dạy nghề chưa nhiều, rất nhiều cơ sở dạy nghề, Cục phải “giục” thì mới tham gia. Ông Phạm Vũ Quốc Bình đưa con số dẫn chứng “trong năm 2013, có tới 79,5% tổng số cơ sở dạy nghề trên toàn quốc không thực hiện tự kiểm định chất lượng và nộp báo cáo về Tổng cục Dạy nghề”. Mặt khác, từ năm 2008 đến nay, cũng chỉ có 89 cơ sở dạy nghề được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề. Cá biệt có trường hợp Trung tâm Dạy nghề Bách Khoa (Đồng Nai) đã không thực hiện tự kiểm định; ngày 28/4/2014, Bộ LĐ-TB&XH đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề của trung tâm này.
Nói về nguyên nhân khiến các cơ sở dạy nghề không mặn mà với việc kiểm định chất lượng dạy nghề, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng do cơ sở dạy nghề chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm định chất lượng dạy nghề, cơ quan chủ quản của các cơ sở dạy nghề chưa quan tâm đến hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở dạy nghề thực hiện tự kiểm định chất lượng dạy nghề.
Cần đầu tư cho các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
Góp ý về hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề, ông Nguyễn Quang Trung – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Điện cho rằng, cần xem lại quy định tỷ lệ % sinh viên, cán bộ, giáo viên có thể đáp ứng chỗ ngồi trong thư viện cho phù hợp với thực tế và điều kiện cơ sở đào tạo. Ông cho rằng, ngoài diện tích phòng đọc thư viện, thư viện điện tử nếu kết nối với mạng internet không dây của cơ sở dạy nghề thì không nhất thiết người đọc phải ngồi trong thư viện mà có thể ở vị trí khác trong cơ sở dạy nghề đều có thể tra cứu thông tin, tài liệu và khai thác tài nguyên số của thư viện.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu – một trong 40 trường trọng điểm được đầu tư trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao giải thích thêm: Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sinh viên có thể vào internet ở bất cứ đâu để tham khảo tài liệu, giáo trình và tải về các dữ liệu cần thiết mà không cần phải tới thư viện nhiều. Do đó, việc đầu tư vào thư viện có diện tích rộng lớn, nhiều chỗ ngồi với nhiều máy tính để bàn gây nên sự lãng phí lớn.
Đại diện trường Trung cấp nghề số 7 – Bộ Quốc phòng thì phân tích chỉ số về diện tích ký túc xá, cây xanh cũng chưa phù hợp với thực tế từng đơn vị. “Tại khu vực thành phố nhu cầu ở ký túc xá lại rất ít mà buộc phải xây dựng để đảm bảo 40% chỗ ở cho học sinh là khó khăn; cùng với đó nếu trường ở giữa trung tâm thành phố thì cũng không thể bảo đảm 30-40% diện tích cây xanh” – ông nói.
Một băn khoăn khác của rất nhiều trường nghề đã tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề là họ được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nhưng dường như vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi so với các trường kiểm định chưa đạt chất lượng và những trường không tham gia kiểm định.
Ông Nguyễn Quang Trung – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Điện khẳng định: Qua kiểm định chất lượng người học và xã hội có thể biết thực trạng của trường. Kết quả kiểm định cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy trường không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dạy nghề để đảm bảo đạt chuẩn, đồng thời nâng cao uy tín của trường, tạo sự yên tâm tin tưởng của người học, các doanh nghiệp sử dụng lao động và xã hội. Tuy nhiên, ông kiến nghị các cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cần được hưởng những chính sách ưu đãi như: thụ hưởng các dự án đầu tư cho hoạt động dạy nghề; ưu tiên tập trung đầu tư về nghề trọng điểm, trường trọng điểm; cho người học vay vốn học nghề; đặt hàng dạy nghề…
Ông Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu cũng kiến nghị: Bộ LĐ-TB&XH cần có chính sách phù hợp hỗ trợ các trường dạy nghề trong công tác tuyển sinh để nâng cao chất lượng đầu vào vì hiện nay các trường dạy nghề đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời cần đầu tư nguồn tài chính để nhà trường thực hiện cải thiện cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()