Thứ 4, 25/12/2024 13:10 [(GMT +7)]
Trường lớp học cho năm học mới
Thứ 2, 23/08/2010 | 11:33:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Được đầu tư mạnh mẽ và khá đồng bộ về xây dựng phòng học và các phòng chức năng, nên bước vào năm học 2010-2011, ngành GD có nhiều thuận lợi về CSVC trường lớp học do các công trình đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.
Đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa
Là một xã “ vùng ngoài” của huyện Tràng Định, song trong nhiều năm, trường phổ thông cơ sở xã Đề Thám vẫn trong tình trạng tường thấm, mái dột. Mặc dù số học sinh đã đông và việc thực hiện Luật GD không thể chậm chễ, song vẫn chưa thể thực hiện tách trường vì không có trường mới. Được đầu tư từ nguồn vốn xổ số kiến thiết, địa phương đã xây dựng được trường tiểu học khang trang với đầy đủ phòng học, thiết bị, phòng chức năng và sân trường rộng rãi. Trong những ngày cuối tháng Tám này, nhà thầu đang tích cực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đáp ứng sự mong chờ của hàng trăm học sinh tiểu học trong ngày khai giảng và đón nhận Bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn QG.
Khác với xã Đề Thám, do địa hình thời tiết và địa chất rất phức tạp, nên công trình trường THCS xã Khánh Long phải thi công kéo dài, nhưng cuối cùng thì bước vào năm học mới 2010-2011, học sinh bậc THCS của xã đã có thể đàng hoàng ngồi trong phòng học hai tầng khang trang, chấm dứt cảnh thầy giảng, học sinh ghi chép trong các căn lều tạm với nhiều rủi ro của nước lũ và nguy cơ sạt lở đất…
Trường THCS xã Khánh Long sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới |
Tính đến nay, toàn ngành GD Lạng Sơn đã có 6861 phòng học, trong đó có 3891 phòng kiên cố, tăng hơn năm học trước 516 phòng; số phòng bán kiên cố và phòng dưới cấp 4 giảm nhiều. Điều đáng chú ý là với phương châm “ đồng bộ- hiện đại, theo hướng thân thiện”, nhiều trường được xây dựng mới, ngoài phòng học, phòng làm việc, có đủ các công trình phụ trợ như các phòng chức năng, nhà để xe, nhà vệ sinh khép kín và cứng hóa sân trường.
Không chỉ có “ cái nhà”, song song với xây dựng, các thiết bị được tăng cường đầu tư; trong năm học vừa qua, ngành đã trang bị cho 55 phòng học bộ môn Vật lý, 53 phòng bộ môn Hóa học và 50 phòng bộ môn Sinh học cho các trường THCS. Kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị dạy học và SGK đã đạt 9,3 tỷ đồng, chiếm 1% chi thường xuyên cho sự nghiệp GD.
Vẫn còn đó, độ “ chênh” trong đầu tư
Trong tổng số 6.861 phòng học trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ phòng học bán kiên cố và phòng học tạm của bậc học Mầm non chiếm đến 2/3, trong khi ở bậc tiểu học chỉ là 1/3, các bậc học THCS, THPT và trung tâm GDTX có khá hơn. Qua tìm hiểu và phân tích, chúng tôi thấy rằng sở dĩ có tình trạng này là do yêu cầu tách trường theo Luật GD, vì vậy phải xây dựng mới trường tiểu học hoặc THCS. Vả lại các nguồn vốn của các bậc học phổ thông khá “ dồi dào” như ngoài vốn kiên cố hóa, dự án tiểu học vùng khó khăn, còn có vốn phát triển THCS và các nguồn vốn khác. Mặt khác, khi tỉnh ta thực hiện Đề án phát triển mầm non nông thôn, thì tiến độ đầu tư xây dựng đã không theo kịp sự phát triển về quy mô; tình trạng các trường và phân trường MN gắn với tiểu học còn nhiều. Nói là “ gắn” song CSVC của bậc học này hoàn toàn phụ thuộc vào trường tiểu học; vì vậy các cháu chỉ học trong phòng tạm mà trường tiểu học không dùng đến hoặc khá hơn cũng chỉ là những phòng “ xây thêm”. Tình trạng “ 2 chung” này khiến bậc học mầm non, nhất là ở khu vực nông thôn trong tình trạng “dở khóc dở cười”.
Để có thêm nhiều phòng học cho năm học mới, một mặt Ban Chỉ đạo KCH trường lớp học cấp tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại các công trình xây dựng dở dang mà nhà thầu tạm ngưng do thiếu vốn. Chỉ đạo ngay việc hoàn thiện và bàn giao các công trình đã xây dựng xong để các nhà trường có phòng học mới kịp khai giảng. Trong những năm qua, các nhà thầu đã sát cánh cùng ngành GD, nay cần nỗ lực hơn trong khắc phục khó khăn về vốn cũng như điều kiện thi công để bàn giao công trình. Thiết nghĩ, đây cũng là cách thu hồi vốn nhanh nhất.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()