Trường học vùng xa, vùng cao: Chủ động phòng, chống rét cho học sinh
(LSO) – Mặc dù mới bước vào đầu mùa đông nhưng để đảm bảo sức khỏe, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các nhà trường, nhất là các trường ở vùng xa, vùng cao đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong mùa đông.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 1.400 điểm trường, trong đó có 805 điểm trường lẻ ở các khu vực vùng xa, vùng cao từ cấp mầm non đến THCS. Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các trường học đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong mùa đông như: Sửa sang cơ sở vật chất đã xuống cấp, mua sắm máy sưởi, chăn ấm; huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để trang bị thêm áo ấm, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn mặc đầy đủ áo ấm khi đến trường trong tiết trời lạnh
Mặt khác, các trường thường xuyên nhắc nhở các em mặc đủ ấm, không tổ chức các hoạt động ngoài trời; tăng cường khẩu phần ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng theo đúng quy định; phối hợp với cán bộ y tế xã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại các trường, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt nhất để học tập. Cùng đó, chủ động theo dõi tình hình thời tiết để bố trí lịch học phù hợp cũng như cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Những ngày đầu tháng 12/2020, trong đợt rét đầu mùa, có dịp đến với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, chúng tôi mới thấy được những khó khăn của học sinh nơi đây khi phải đi học trong tiết trời lạnh giá, sương mù bay cả vào trong các lớp học.
Năm học 2020 – 2021, nhà trường có 4 lớp với 74 học sinh, trong đó có 36 học sinh ở bán trú tại trường. Để đảm bảo sức khỏe cho các em, nhất là trong tiết trời mùa đông lạnh giá, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ giường, chiếu, chăn ấm, màn cho các em. Em Triệu Thị Múi, học sinh lớp 8 ở bán trú tại trường cho biết: Thời gian ở trường vào mùa rét, chúng em luôn được ăn, uống đồ nóng và thầy, cô thường xuyên dặn dò cách giữ ấm cơ thể, nhắc nhở chúng em đi giày, dép, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là vào những ngày rét đậm.
Còn như ở Trường Tiểu học I xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng có hơn 150 học sinh theo học. Trường gồm 1 điểm trường chính ở thôn Suối Mạ và 3 điểm trường lẻ ở các thôn Suối Phầy, Suối Mỏ, Nà Lìa thuộc khu vực vùng cao, xa xôi của tỉnh. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, những ngày mùa đông, việc dạy và học của giáo viên, học sinh vô cùng vất vả.
Cô Ngô Thị Diễm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh mặc ấm cho các em khi đến lớp. Cùng đó, lập kế hoạch chuẩn bị thuốc sơ cứu, phòng, chữa bệnh ban đầu cho học sinh như thuốc cảm, ho, sốt… Khi học trên lớp phải bật điện và đóng kín cửa tránh gió lùa nhằm bảo đảm sức khỏe cho các em sinh hoạt, học tập ổn định trong mùa đông.
Cùng với sự chủ động của các trường, trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục tại vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, ngành đã xây dựng các mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (98 trường) và trường nội trú (11 trường) với quy mô gần 20.000 học sinh. Ở môi trường học tập này, các em được ăn, ở, sinh hoạt, học tập ngay tại trường, được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Cùng đó, được thầy, cô quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở việc mặc ấm, phòng tránh những bệnh có thể phát sinh trong thời gian giá rét. Đặc biệt là quan tâm đến chế độ sinh hoạt và ăn uống của học sinh, giúp các em có được sức khỏe ổn định, đảm bảo việc học tập đạt kết quả tốt.
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc giữ ấm cho học sinh, đặc biệt là học sinh các điểm trường vùng cao trong mùa đông giá rét là rất quan trọng, nhằm duy trì chất lượng dạy và học. Bởi vậy, trong những ngày rét đậm, rét hại, sở đã yêu cầu các trường hạn chế hoạt động ngoài trời, giờ học thể dục cần bố trí hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các điểm trường chủ động đảm bảo cơ sở vật chất để giữ ấm cho học sinh. Cùng với chuẩn bị các biện pháp phòng, tránh rét, các trường căn cứ tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học trong những ngày rét đậm, đảm bảo duy trì ổn định chương trình, chất lượng dạy và học trong mùa đông.
Ý kiến ()