Trường học ứng phó với số ca F0, F1 tăng nhanh
Thực hiện chủ trương mở cửa trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hầu hết các địa phương, trường học trong cả nước đều lên phương án tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh.
Tuy nhiên thời gian gần đây, ở nhiều nơi, số lượng giáo viên, học sinh trở thành F0, F1 đã gia tăng. Ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Nỗ lực vượt khó
Những ngày này, số học sinh, giáo viên nhiễm bệnh biến động liên tục. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp bởi vậy có xu hướng giảm. Một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hóa 2.359 ca…
Tại Lào Cai, nhiều trường học vùng cao đang phải gồng mình vừa tổ chức dạy học cho học sinh, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, chống rét. Thay vì không khí nhộn nhịp của hơn một tuần trước đây, sân trường Trường Tiểu học số 2, thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai) nay vắng vẻ. Thầy Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có 11 lớp học với 213 học sinh. Hiện trường có 22 học sinh là F0, 87 học sinh thuộc đối tượng F1 đang thực hiện cách ly; trong đó có 24 học sinh cách ly tập trung tại khu bán trú của trường. Những ngày tới, các thầy giáo, cô giáo sẽ giao bài qua phiếu bài tập đến từng thôn cho học sinh tại các chốt phong tỏa, hoặc giao bài qua Zalo của phụ huynh.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đến trường học trực tiếp (ảnh chụp ngày 21-2-2022). |
Để bảo đảm kế hoạch dạy học, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai cho biết: Phòng GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các trường, đặc biệt là trường có học sinh bán trú giữ các em ở lại trường cả thứ bảy, chủ nhật. Đối với học sinh bán trú là F1, tổ chức cách ly tập trung tại trường sẽ an toàn hơn khi cho các em về cách ly tại nhà.
Ứng phó với số ca F0, F1 tăng nhanh, cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) cho hay: “Hiện trung bình mỗi lớp có từ 4-5 học sinh là F0. Nhà trường đã tiến hành rà soát, kiểm tra sức khỏe những học sinh tiếp xúc gần với F0, cho các em chuyển hình thức học trực tuyến và theo dõi sức khỏe trong một tuần theo hướng dẫn của nhà trường. Tuy nhiên, thời điểm này, do số lượng học sinh là F1 quá lớn, số giáo viên là F0 lại tăng nên rất khó khăn trong bố trí lớp học trực tiếp. Nhiều giáo viên dù “rối bời” khi vừa chăm lo cả gia đình là F0 hoặc chính bản thân là F0 vẫn nỗ lực lên lớp dạy trực tuyến, chưa nghỉ buổi nào. Trường rất mong ngành giáo dục có giải pháp hỗ trợ hoặc để các trường linh hoạt, chủ động phương án đi học sao cho vừa bảo đảm kế hoạch năm học vừa an toàn cho cả học sinh và giáo viên”.
Bình tĩnh xử lý các tình huống F0
Triển khai dạy học trực tiếp trong bối cảnh mới hiện nay, nhiều trường cho rằng muốn dạy học trực tiếp thì phải phòng dịch hiệu quả. Bởi vậy, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong trường học. Tuy nhiên, hiện một số cơ sở giáo dục vẫn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.
Để thống nhất quy trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi được đến trường của tất cả học sinh, liên Sở GD&ĐT-Y tế tỉnh Thái Bình đã ra văn bản hướng dẫn tạm thời công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường khoanh vùng F0 theo diện hẹp. Việc tạm dừng học tập trung được khoanh vùng với những học sinh ngồi cùng bàn và bàn trên, bàn dưới của F0, hay cùng lớp, cùng tầng, cùng khối nhà, toàn trường… tùy theo tình huống F0 và kết quả điều tra ca lây nhiễm thứ phát và F1. Riêng đối với trường mầm non, nếu có một trường hợp F0 thì cho toàn bộ học sinh trong lớp, giáo viên, người chăm sóc trẻ (F1) tạm nghỉ, cách ly, xét nghiệm sàng lọc, tổng vệ sinh, khử nhiễm. Sau 3 ngày xét nghiệm sàng lọc và đánh giá lại để quyết định tổ chức học trở lại nếu không phát hiện lây nhiễm thứ phát.
Chia sẻ một số giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn các địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng, chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi… để Bộ GD&ĐT, các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành, cũng như kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục và xử trí tình huống F0, F1 trong trường học.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, tình hình tổ chức dạy học trực tiếp tính đến 17 giờ ngày 21-2-2022, tỷ lệ học sinh đến trường là 80,45% (giảm 13,26% so với tuần đi học đầu tiên). Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 20-2 có thêm 6 tỉnh/thành phố quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp, cụ thể: Khối mầm non có 48/63 tỉnh/thành phố cho học sinh đến trường, đạt tỷ lệ 55,31%; khối tiểu học có 54/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 87,06%; khối THCS có 60/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 90,41%; khối THPT có 62/63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ 90,47%. |
Ý kiến ()