Trường học đầu tiên ở Hà Nội lắp điện mặt trời
Trường THCS Nguyễn Trãi vừa tiếp nhận hệ thống điện mặt trời mái nhà do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đầu tư.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái của trường THCS Nguyễn Trãi |
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, cùng với việc triển khai chương trình, Trường THCS Nguyễn Trãi cũng là trường học đầu tiên trên địa bàn quận sử dụng máy đo chất lượng không khí để định hướng các hoạt động giáo dục cho học sinh.
Cùng với đó, việc nhà trường được tài trợ, tiếp nhận công trình điện mặt trời mái nhà sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cũng như tác động tốt tới môi trường.
Đặc biệt, điện sản sinh ra từ năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên sử dụng với công suất sản sinh trung bình mỗi ngày từ 15-20 kWh, giúp nhà trường sử dụng được nguồn năng lượng sạch, thân thiện và bền vững.
Trường THCS Nguyễn Trãi được hỗ trợ hơn 90 triệu đồng trên tổng 114 triệu đồng tiền mua thiết bị và lắp đặt 14 tấm điện mặt trời loại 5,32 kW/h trên mái của trường. Thiết bị này hỗ trợ sử dụng quạt, đèn thắp sáng tại 18 phòng học, dự kiến tiết kiệm từ 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, với tháng thấp điểm, trường dùng hết 7 triệu đồng tiền điện, tháng cao điểm do sử dụng điều hòa nên tiền điện tăng gấp đôi. Việc giảm hơn một triệu đồng tiền điện một tháng giúp nhà trường tiết kiệm chi phí.
Thời gian tới, các giáo viên tại trường THCS Nguyễn Trãi sẽ được tập huấn, cung cấp kiến thức để thành lập Câu lạc bộ Sao xanh. Hơn 600 học sinh của trường sẽ được giáo viên hướng dẫn, tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tại trường học và nơi cư trú. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án “Trường học công dân xanh” được triển khai tại trường THCS Nguyễn Trãi.
“Trường học công dân xanh” sẽ giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy niềm đam mê của học sinh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, dần hình thành trong các em ý thức về nếp sống xanh. Từ trên ghế nhà trường, các em đã có cơ hội học tập, trải nghiệm, tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường”, cô Lê Hoàn Châu chia sẻ thêm.
Ý kiến ()