Trường ĐH lâu đời, có kiến trúc đẹp không phải di dời
Ngày 7/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Di dời 80 trường ĐH với gần 700.000 sinh viên
Theo lộ trình thực hiện, giai đoạn 2011-2015, mỗi thành phố di dời 5 trường thí điểm. Nhu cầu vốn cần khoảng 600 triệu USD (300 triệu USD/ thành phố) hoặc khoảng 1.200 triệu USD/ thành phố nếu tính cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn 2015-2020, mỗi thành phố di dời tiếp thêm khoảng 10 đến 15 trường. Nhu cầu vốn theo phương án di chuyển 10 trường/ thành phố cần khoảng từ 1.200 triệu USD (600 triệu USD/thành phố nếu không phải giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2020-2030 sẽ di dời số trường còn lại.
ĐH Văn Hóa Hà Nội nằm trong khu vực đông dân cư và thường xảy ra ách tắc giao thông |
Tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh yêu cầu giảm mật độ sinh viên trong nội thành Hà Nội từ 478.856 sinh viên năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 sinh viên vào năm 2030; giảm mật độ sinh viên ĐH trong nội thành TP.HCM từ 516.544 năm 2011 xuống còn khoảng 170.000 vào năm 2030.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, cần giảm 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các sở đào tạo trong nội thành Hà Nội, TH.HCM hiện nay (gần 700.000 sinh viên) ra các khu quy hoạch, tương đương với số trường cần phải di dời là khoảng 80 trường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ GD&ĐT tiếp tục bàn bạc với UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tiến độ di dời các trường ĐH, CĐ, nhưng không nên kéo dài tới 2030 mà chậm nhất chỉ đến năm 2025.
Nhiều phương án tạo nguồn vốn
Để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở mới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đưa ra các phương án: đấu giá diện tích đất cơ sở cũ (phần cho công trình thương mại, dịch vụ); nhà nước hỗ trợ vay vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi, TP cho vay kích cầu; thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP; …
Góp ý cho quy hoạch này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Phí Thái Bình đề nghị thống nhất các tiêu chí di dời, để các trường sớm được biết mình đi hay ở và TP.Hà Nội bổ sung vào kế hoạch ngân sách sử dụng đất.
Đại diện các Bộ ngành đã góp ý cho kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành Hà Nội, TP.HCM ngày 7/6 (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận góp ý về cơ chế chính sách, Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến tận chân hàng rào. Để giảm nhẹ cho các trường, đề nghị chính phủ có cơ chế dùng vốn ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu quy hoạch để các trường yên tâm di dời. Như vậy các trường đẩy nhanh tiến độ, ngân sách đảm bảo. Cần phải có một ban chỉ đạo thống nhất để phê duyệt danh sách các trường di dời trong từng giai đoạn.
Đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đồng tình với việc cần có một ban chỉ đạo di dời cấp quốc gia, cũng như việc xác định và công bố công khai danh sách các trường cần di dời, căn cứ trên đăng ký của các trường. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho trường nào đăng ký giai đoạn đầu.
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng và bộ GD&ĐT thẩm định và xác định những trường nào phải đi, họ đi đâu. Về chính sách, đối với cơ sở cũ cho phép dùng làm vốn đầu tư cho cơ sở mới; trong quy hoạch đất ở trường mới, dành một diện tích nhất định dành cho các cán bộ, giáo viên ở, được mua theo giá ưu đãi (giá gốc). Cần nói rõ chính sách, minh bạch và có quyết định sớm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đề nghị không nên thành lập Quỹ đầu tư trong giáo dục ĐH vì đây là quỹ phi lợi nhuận, cần phải có bộ máy hoàn chỉnh hoạt động.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc giữ lại các trường ĐH lớn có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố. Đồng thời, yêu cầu trước 10/7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ thuộc thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ý kiến ()