Trường chuẩn Quốc gia cho các xã xây dựng nông thôn mới: Những khó khăn và thách thức
LSO- Cùng với tiêu chí về giáo dục (tiêu chí số 14), tiêu chí cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn QG (tiêu chí số 5) là một trong những “hợp phần” quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Trong các hội nghị triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm của tỉnh và của các huyện, nhiệm vụ xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia (QG) luôn được Ban chỉ đạo của tỉnh nói đến như một nhiệm vụ cấp thiết…
Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao kết quả phổ cập giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn QG, Lạng Sơn đã giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập THCS. Hàng năm có từ 85-95% số học sinh tốt nghiệp THCS học lên cấp THPT hoặc học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên đã góp phần từng bước thực hiện tiêu chí số 14 của xây dựng nôn thôn mới. Song, trong 2 năm qua, toàn tỉnh mới xây dựng được 22 trường chuẩn QG, đạt 48,9% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, trong 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 có tổng cộng 110 trường học từ cấp học mầm non đến THCS nhưng mới chỉ có 32 trường đạt chuẩn QG, chiếm tỷ lệ 29%. Trong 30 xã điểm của các huyện, thành phố có đến 15 xã “trắng” trường chuẩn QG. Trong 5 xã điểm của tỉnh, mới chỉ có xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) đã có đủ 3 trường đạt chuẩn QG, 4 xã điểm còn lại thì Chi Lăng (Tràng Định), Tô Hiệu (Bình Gia) mới chỉ có 1 trường, xã Chi Lăng (Chi Lăng) và Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) có 2 trường.
Trường THPT Cao Lộc đạt chuẩn quốc gia năm 2011
Phải nói rằng, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn QG luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành GD&ĐT; đó cũng luôn là sự “khát khao” ở cơ sở nên đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn QG đã được tập trung từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn khác. Tuy vậy, Lạng Sơn là một tỉnh còn nghèo, việc xây dựng trường học đạt chuẩn QG luôn phải dựa vào nguồn vốn chính là vốn chương trình kiên cố hóa (KCH). Thực tế cho thấy trong 105 trường chuẩn QG ở tỉnh, hầu hết được xây dựng từ 2 đợt kiên cố hóa (KCH), đợt 1 (2004-2007) và đợt 2 (2008-2012).
Trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng trường học đạt chuẩn QG cũng chủ yếu dựa vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong Chương trình KCH trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 và giai đoạn sau. Tuy nhiên, trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam trong những năm 2010-2012, các nguồn lực cho xây dựng cơ bản và bổ sung trang thiết bị bị giảm sút, một số công trình xây dựng trường học tạm dừng thi công dẫn đến việc xây dựng trường học đạt chuẩn QG không hoàn thành kế hoạch; trong đó các xã điểm xây dựng nông thôn mới bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều địa phương trong kế hoạch xây dựng đã giải phóng xong mặt bằng như THCS Tô Hiệu (Bình Gia), THCS Văn An (Văn Quan)…nhưng vẫn chưa có vốn để xây dựng. Với tinh thần chủ động, tích cực, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD, các nhà trường trong các xã điểm xây dựng nông thôn mới phấn đấu đạt các tiêu chí như chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, chất lượng học sinh, công tác xã hội hóa GD…đạt chuẩn QG và đến nay tất cả các trường trong kế hoạch hầu như đã cơ bản đạt được các tiêu chí như quy định của trường chuẩn QG. Ngoài ra các xã còn tích cực phấn đấu tiêu chí số 14 về xây dựng nông thôn mới, duy trì phổ cập THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được học lên, hoặc học nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo… Song về cơ sở vật chất cho trường chuẩn, hầu như tất cả các xã điểm xây dựng nông thôn mới nói riêng và các địa phương nói chung đều “trông chờ” vào sự đầu tư của nhà nước.
Để giải quyết những khó khăn về trường học đạt chuẩn QG, phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới, ngành GD&ĐT đã kiến nghị với UBND tỉnh ngay trong năm 2013 cho lập dự án đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn QG ở 4 xã điểm còn lại của tỉnh như Trường Mầm non xã Chi Lăng (Chi Lăng), Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng), Trường THCS xã Tô Hiệu (Bình Gia), Trường Mầm non và Trường THCS xã Chi Lăng (Tràng Định). Những năm tiếp theo tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn QG ở những xã điểm còn lại. Nay đã là giữa tháng 5, thời gian còn lại của năm 2013 không nhiều song lời giải về vốn vẫn là một thách thức lớn.
Mục tiêu của ngành GD&ĐT trong việc thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng từ 40-45 trường học đạt chuẩn QG. Nếu số trường này chỉ dành cho các xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và ngành GD&ĐT đạt được mục tiêu này thì vẫn còn tới 33 trường học tại các xã điểm chưa đạt chuẩn. Và như vậy, ít nhất sẽ có 11/35 xã không hoàn thành hoặc nhiều xã điểm chỉ hoàn thành tiêu chí số 5 (tiêu chí trường học) ở mức thấp. Nếu vậy, một vấn đề mới lại đặt ra sau năm 2015, đó là chất lượng chuẩn của xã điểm nông thôn mới.
Ý kiến ()