Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ: Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
– Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thời gian qua, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, cũng như các hoạt động của nhà trường.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 5/2021, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, ban hành các quy chế, quy định có liên quan về dạy và học trực tuyến. Từ tháng 5/2021 đến nay, trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến tại hơn 30 lớp đào tạo, bồi dưỡng; với hơn 2.000 học viên. Trường được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá là một trong những trường chính trị cấp tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến.
Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trao đổi kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến
Ông Hà Quang Thứ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị – hành chính khoá 63 hệ không tập trung tại huyện Lộc Bình cho biết: Lớp khai giảng từ tháng 4/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không thể học trực tiếp. Nhờ việc dạy học trực tuyến, học viên thuận lợi hơn, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo thời gian hoàn thành khóa học.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động tại trường cũng được quan tâm thực hiện. Bà Dương Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 3 khoa giảng dạy và 2 phòng chức năng, với 49 cán bộ, viên chức, lao động (trong đó có 37 giảng viên). Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và các hoạt động của trường.
Cụ thể, trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã thành lập trang thông tin điện tử từ năm 2013, trung bình hằng năm, trang đăng tải trên 70 tin, bài về hoạt động của trường, nghiên cứu, trao đổi về chuyên môn; đăng tải kịp thời các thông báo chiêu sinh, tuyển sinh các lớp đào tạo, bồi dưỡng để học viên dễ dàng tìm hiểu thông tin, đăng ký khóa học. Cùng đó, nhà trường sử dụng hệ thống phần mềm quản lý và điều hành văn bản, phần mềm quản lý đào tạo, nghiệp vụ kế toán, tài chính; hòm thư công vụ; quản lý sinh hoạt đảng của Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh; chữ ký số, camera an ninh, máy chiếu, camera tại các phòng học được lắp đặt sử dụng… góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, công tác quản lý, điều hành trong nhà trường.
Cùng đó, để cán bộ, giảng viên, nhân viên ứng dụng CNTT hiệu quả trong công việc, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, chỉ đạo trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chuyên môn; mở các lớp tập huấn về dạy học trực tuyến cho giảng viên nhà trường. Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi kịp thời nắm bắt kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, ứng dụng CNTT, từ đó phục vụ cho công tác giảng dạy. Bản thân tôi cũng luôn chủ động tìm tòi, học hỏi, soạn giáo án điện tử, sưu tầm hình ảnh, video trình chiếu cho học viên dễ dàng liên hệ, tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.
Ngoài ra, hằng năm, trường chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện từng bước trang thiết bị đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT. Hiện nay, 100% khu nhà làm việc, giảng đường đều có hệ thống wifi phục vụ giảng dạy, tìm kiếm thông tin. Được biết, theo kế hoạch đến tháng 6/2022, nhà trường sẽ khánh thành phòng họp trực tuyến để phục vụ các hoạt động của nhà trường.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trong nhà trường, giúp cán bộ, giảng viên, nhân viên kịp thời nắm bắt, trao đổi, xử lý thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Đơn cử năm 2021, trường tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện 78 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 6.000 học viên. Tỷ lệ học viên đạt loại khá, giỏi tại các lớp trung bình đạt trên 90%. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhà trường tiếp tục duy trì và thực hiện 29 lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 1.600 học viên.
Từ việc ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng đào tạo, năm 2019 nhà trường được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015 – 2019 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; năm 2020 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ…
Ý kiến ()