Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
– Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có 50 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 38 giảng viên. Những năm qua, nhà trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng, nhà trường đã thực hiện một số giải pháp, trong đó tập trung cập nhật, biên soạn chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, quan tâm nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu công tác dạy học trong tình hình mới.
Về nội dung chương trình học, thời gian qua, nhà trường thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác biên soạn giáo trình, tài liệu bám sát chương trình khung và bổ sung, cập nhật phù hợp với từng đối tượng học cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, trường đã biên soạn được 10 loại giáo trình, tài liệu như: tập bài giảng tình hình và nhiệm vụ của tỉnh Lạng Sơn; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo xã; bồi dưỡng trưởng thôn, tổ trưởng dân phố…
Lãnh đạo trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính cho học viên (ảnh chụp tháng 10/2020)
Ngoài việc đổi mới nội dung, nhà trường cũng đẩy mạnh vận dụng phương pháp dạy học tích cực, hiện đại, phát huy tính tích cực chủ động của người học như: hỏi – đáp nhanh, thảo luận nhóm, đặt tình huống… Qua đó, tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.
Bà Lăng Thị Hương, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, học viên lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 10 (năm 2020) cho biết: Hầu hết trong các tiết học, chúng tôi được tương tác và phối hợp làm việc. Đặc biệt, với việc thảo luận nhóm, học viên vừa được đóng góp ý kiến cá nhân vừa phát huy tinh thần tập thể, sau đó có sự định hướng, tổng kết của giảng viên.
Cùng với các giải pháp trên, nhà trường luôn xác định để nâng cao chất lượng giảng dạy thì nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Do đó, những năm qua, trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo để giảng viên viết bài, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức. Từ năm 2015 đến nay, nhà trường có 29 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; tổ chức được 10 cuộc hội thảo khoa học cấp trường và phối hợp với các đơn vị khác tổ chức được 3 cuộc hội thảo cấp bộ.
Để tạo môi trường cho giảng viên được trau dồi kiến thức, rèn luyện, nâng cao kỹ năng, định kỳ 2 năm một lần, nhà trường tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi và cử giảng viên tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị khu vực phía Bắc.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, giảng viên Khoa Pháp luật và Nhà nước cho biết: Việc tham gia các hội thảo, hội thi giúp chúng tôi bổ sung nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đặc biệt, việc tham gia các hội thi là cơ hội để chúng tôi được rèn luyện, giao lưu, học hỏi các đồng nghiệp, từ đó vận dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng mỗi bài giảng.
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hằng năm, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, trường đã tổ chức được 79 lớp đào tạo với 5.243 học viên và phối hợp mở được 228 lớp bồi dưỡng cho 22.432 học viên.
Thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, khẳng định vai trò là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025 trở thành trường chính trị đạt chuẩn.
Ý kiến ()