LSO-Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong những năm qua, ngoài việc đào tạo học sinh có chuyên môn vững vàng, Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Lạng Sơn luôn quan tâm bồi dưỡng, giáo dục y đức cho học sinh, sinh viên (HSSV). Sinh viên Trường CĐ Y tế Lạng Sơn trong giờ thực hành tiêm lâm sàngVới lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khá phong phú, trong công tác tuyển sinh, nhà trường có điều kiện xét tuyển khá kỹ càng, đảm bảo chất lượng “đầu vào” về cả tiêu chuẩn đạo đức và học lực. Song với nhận thức chất lượng đầu vào chỉ là một trong những điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo, trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2011-2012, nhà trường tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo theo hướng phân cấp cho các phòng, bộ môn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường mua sắm và sử dụng các phương tiện, thiết...
LSO-Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong những năm qua, ngoài việc đào tạo học sinh có chuyên môn vững vàng, Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Lạng Sơn luôn quan tâm bồi dưỡng, giáo dục y đức cho học sinh, sinh viên (HSSV).
Sinh viên Trường CĐ Y tế Lạng Sơn trong giờ thực hành tiêm lâm sàng
Với lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khá phong phú, trong công tác tuyển sinh, nhà trường có điều kiện xét tuyển khá kỹ càng, đảm bảo chất lượng “đầu vào” về cả tiêu chuẩn đạo đức và học lực. Song với nhận thức chất lượng đầu vào chỉ là một trong những điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo, trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2011-2012, nhà trường tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo theo hướng phân cấp cho các phòng, bộ môn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường mua sắm và sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại; tăng thời lượng phần học tiền lâm sàng tại các phòng thực hành và lâm sàng tại các bệnh viện. Vì vậy, tỷ lệ HSSV xếp loại học lực khá giỏi đã đạt 35,8% ở khối Cao đẳng và 26% ở khối Trung cấp; tỷ lệ xếp loại yếu kém đã giảm bớt.
Không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, công tác bồi dưỡng chính trị, phẩm chất đạo đức nói chung và y đức nói riêng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hàng năm, ngoài tuần lễ giáo dục công dân đầu năm học mới, công tác giáo dục đạo đức và y đức luôn được lồng ghép vào các môn học ở các khoa. Thầy giáo Bùi Hữu Uyển, Phó Phòng Công tác HSSV, giáo viên khoa Điều dưỡng cho biết, nghề y là một nghề đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường chưa tuyển chọn được những người “đặc biệt” thì nhiệm vụ của nhà trường lại càng nặng nề, vì phải làm sao đào tạo những con người bình thường ấy trở thành những con người “đặc biệt” để họ có thể làm tròn nhiệm vụ của nghề y. Bởi vậy, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn có ý thức giáo dục y đức và bồi dưỡng tài năng cho các em. Y sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng … là người trực tiếp với người bệnh, công việc đó đòi hỏi họ không chỉ có cái tài khám, phát hiện, điều trị, chăm sóc, thành thục các thao tác kỹ thuật, mà trên hết còn là sự ứng xử với người bệnh. Học kỹ 12 điều y đức, những di huấn của Hải Thượng Lãn Ông, mỗi HSSV còn quan sát và học tập được rất nhiều ở thầy giáo trực tiếp giảng dạy cũng như các y, bác sĩ ở các bệnh viện cả về kỹ năng nghề nghiệp và cách ứng xử. Em Phùng Thị Phúc, quê xã Thanh Long (Văn Lãng), sinh viên năm thứ hai Cao đẳng Điều dưỡng tâm sự: “Từ xã vùng cao biên giới về học tại trường để về quê hương phục vụ bà con, ngoài chịu khó học lý thuyết, rèn luyện chuyên môn, em học được ở các thầy rất nhiều về cách ứng xử của một nhân viên y tế đối với người bệnh. Bà con nông thôn có bệnh phải đến trạm y tế, bệnh viện, mỗi ứng xử của cán bộ y tế đều có tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm và sự tin tưởng của họ đối với bệnh viện. Vì vậy, muốn trở thành người điều dưỡng giỏi, trước hết phải là người có tấm lòng nhân ái đối với mọi người”.
Việc quan tâm đến học sinh bằng thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho họ như cấp phát học bổng, trợ cấp khó khăn, bố trí khu ký túc xá cho gần 450 HSSV, tạo điều kiện cho các em về nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập và tham gia các hoạt động tập thể…có tác dụng làm cho các em yên tâm học tập, phấn đấu và rèn luyện. Bên cạnh đó, hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã thu hút HSSV vào các hoạt động xã hội như phong trào hiến máu nhân đạo, phong trào tình nguyện vì cộng đồng… Các hoạt động này có tác dụng bổ trợ cho công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, lòng nhân ái của người thầy thuốc.
Bà Trịnh Thị Xuân Quỳnh, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường cho biết, năm học 2011-2012, thực hiện chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không” và thực hiện “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, nhà trường đã tiếp tục có sự chuyển biến mới về chất lượng toàn diện. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 100%, trong đó có 62,6% loại khá, giỏi và 36,7% loại trung bình khá; tỷ lệ trung bình chỉ chiếm 0,7% là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của công tác đổi mới giáo dục toàn diện.
Minh Hồng
Ý kiến ()