Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm phấn đấu trở thành Trường đại học Công nghệ
Đa dạng hóa loại hình đào tạo
Năm 1995, Tổng công ty Than Việt Nam được thành lập đã mở ra bước phát triển mới trong công tác đào tạo công nhân kỹ thuật và đào tạo bồi dưỡng cán bộ của ngành Than tại khu vực Quảng Ninh. Đến nay, Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm đã có 16 khoa đào tạo nghề gồm 30 ngành nghề khác nhau với quy mô đào tạo hơn mười nghìn học sinh/năm. Đồng thời nhà trường còn liên kết đào tạo đại học, trên đại học và bồi dưỡng cán bộ với số lượng hơn 10 nghìn sinh viên/năm. Từ một trường chỉ chuyên đào tạo nghề phục vụ ngành công nghiệp khai thác than, đến nay Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm đã mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho tất cả các đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác trong khu vực, từng bước thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ năm 2000 đến nay, số lượng học sinh được đào tạo tại trường tăng trung bình 20% /năm. Đến nay, nhà trường đã có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ giáo viên đáp ứng được nhu cầu đào tạo gần hai mươi nghìn học sinh/năm. Trường còn liên kết với hơn 15 học viện, trường đại học trong nước mở các lớp đại học, sau đại học cho cán bộ, công chức ngành than và nhân dân trên địa bàn có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn. Đón trước nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật cao, từ nhiều năm nay, việc tuyển sinh các nhóm ngành nghề, với những tiêu chí cụ thể đã được hơn 30 khoa của trường trực tiếp tới các xã của các tỉnh phía bắc thông báo. Bởi vậy, bên cạnh có đủ số lượng cung cấp công nhân cho ngành than theo hợp đồng đã ký, thì chất lượng học sinh đầu vào cũng được bảo đảm. Các đơn vị của trường còn chủ động liên hệ với các đơn vị ngành than, nhất là chú ý nắm bắt nhu cầu tuyển công nhân, thiết bị làm việc của các mỏ để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới và hải đảo, có nhiều con em đồng bào các dân tộc, vì vậy trường đã chủ động thay đổi nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện của con em đồng bào dân tộc, phối hợp cùng địa phương mở các lớp đào tạo các nghề như: sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp; lắp đặt, vận hành, sửa chữa máy thủy điện nhỏ; quản lý, vận hành và sửa chữa mạng lưới điện nông thôn; lắp đặt và sửa chữa điện trong gia đình. Tổ chức đào tạo tận nơi cho đồng bào dân tộc, người nghèo đạt hiệu quả cao. Từ năm 2000 đến nay, trường đã đào tạo hơn một nghìn học sinh cho các huyện miền núi như: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu… Đến nay, ngoài hai cơ sở đào tạo chính tại Hoành Bồ và Cẩm Phả đã được đầu tư xây dựng khang trang, trường đã thành lập thêm các phân hiệu đào tạo nghề ở Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Móng Cái (dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền đông của tỉnh). Để thẩm tra chất lượng đào tạo và theo dõi số học sinh tốt nghiệp, trường đã thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng, trong đó có bộ phận chuyên kiểm định chất lượng đào tạo và liên hệ xin việc làm cho học sinh học nghề. Vì vậy, riêng với khối nghề, số xin được việc làm hằng năm đạt hơn 90%.
Hướng tới mục tiêu trở thành Trường đại học Công nghệ
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2000 đến nay, Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm đã đầu tư hơn 73 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy gồm: hai xe BenLaz, 50 xe tập lái hạng C, B, E, một máy khoan Tamrốc, sáu máy xúc thủy lực, ba máy gạt, một máy khấu than, hai hệ thống máng cào – tàu điện cho hai phân hiệu, hai giàn chống thủy lực di động, hệ thống cột thủy lực đơn, các thiết bị phục vụ học tập và thực tập nghề cơ khí, cơ điện, hàn như máy hàn rô-bốt, máy tiện, máy phay CNC, thiết bị sửa chữa ô-tô, sửa chữa máy mỏ lộ thiên, hầm lò, thiết bị thí nghiệm vật lý – hóa học, thiết bị phục vụ phòng học, an toàn – phòng, chống cháy nổ, trang bị vi tính… cùng với đó, trường cũng đã đầu tư hơn 190 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất gồm: ba nhà ký túc xá năm tầng và chín tầng khép kín phục vụ cho hàng nghìn học sinh ở nội trú, khu giảng đường, lớp học, hai xưởng trường, ba bãi tập lái xe, hai đường lò bê-tông, phòng thí nghiệm, hội trường, thư viện, nhà ăn, khu ký túc xá chín tầng tại Phân hiệu Cẩm Phả, hai nhà rèn luyện thể chất tại Hoành Bồ và Cẩm Phả, trung tâm đào tạo tại huyện Tiên Yên, trung tâm sát hạch và thực tập tay nghề và một số hạng mục công trình phụ trợ khác. Đội ngũ giáo viên của nhà trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và thực tiễn sản xuất. Trường luôn quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tổng số cán bộ, giáo viên của trường là 328 người, trong đó giáo viên chuyên nghiệp có 261 người, giáo viên kiêm chức 43 người và hơn 100 giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp trong Tập đoàn TKV tham gia giảng dạy. Số giáo viên có trình độ thạc sĩ và đang học cao học là 58 người và hiện đang có 28 giáo viên đang được đào tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Do thực hiện tốt cơ chế tự chủ về tài chính, tự cân đối phục vụ công tác đào tạo, đồng thời nhờ tăng doanh thu từ các hoạt động, tiết kiệm chi, nên hằng năm trường dành ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư, không phụ thuộc ngân sách Nhà nước. Nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành khi đến thăm cơ sở vật chất của trường đều khẳng định, đây chính là mô hình hiện thực của việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa các hoạt động giáo dục. Nếu như năm 2000, tổng doanh thu của trường mới đạt gần 17 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần một triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2009, tổng doanh thu của trường đã đạt hơn 130 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn năm triệu đồng/người/tháng; và dự kiến tổng doanh thu năm 2010 đạt 180 tỷ đồng.
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu về tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đặt ra và bảo đảm chuẩn quốc gia cũng như trong khu vực ASEAN về một số lĩnh vực đào tạo nghề, đó chính là mục tiêu mà Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm đang hướng tới nhằm xây dựng và phát triển trường trở thành Trường đại học Công nghệ trong tương lai.
Thành tích của Trường:
– Năm 1985 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
– Năm 1990 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì.
– Năm 1995 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
– Năm 2005 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.
– Năm học 2002 – 2003 được Bộ Công nghiệp tặng Cờ thi đua xuất sắc.
– Năm học 2004 – 2005 được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
– Năm học 2005 – 2006 được Bộ Công nghiệp tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen và danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc.
– Năm học 2006 – 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
– Năm học 2007 – 2008 được Bộ Công nghiệp tặng Cờ thi đua xuất sắc.
– Năm học 2008 – 2009 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
– Năm 2010 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Ý kiến ()