Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn: Nhiều giải pháp thu hút học sinh
Đổi mới phương thức tuyển sinh
Xác định đổi mới công tác tuyển sinh là một trong những yếu tố duy trì sự tồn tại của mình, từ năm học 2015-2016, nhà trường đã mạnh dạn đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng “về cơ sở, bám đối tượng”. Theo đó nhà trường bỏ lối “đăng thông báo, ngồi chờ học sinh” mà cử đội ngũ cán bộ đến các trường THPT, các phòng GD&ĐT để liên hệ tuyển sinh, tận dụng các hội nghị cấp trường, nhất là hội nghị phụ huynh học sinh để tuyên truyền về tuyển sinh; mặt khác, liên hệ với UBND, các đoàn thể cấp xã để có thêm “kênh” tuyên truyền tuyển sinh. Trong tuyên truyền, nhà trường nêu rõ những quyền lợi của học sinh thuộc diện đối tượng chính sách như được học bổng, nội trú và các khoản khác theo quy định. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục duy trì “kênh” liên kết đào tạo “2 trong 1” (vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề) đối với các trung tâm GDTX. Làm việc với chúng tôi, ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng tiếp cận cơ sở, thậm chí có thể tiếp cận đến đối tượng tuyển sinh đã giảm bớt tình trạng “hồ sơ ảo”; đây cũng là dịp tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên những chuyến đi thực tế đầy bổ ích.
Học sinh lớp Trung cấp Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn trong giờ thực hành
Thực hiện hỗ trợ người học
Em Bế Văn Cường, dân tộc Nùng ở thôn Tà Lạn, xã Sàn Viên (Lộc Bình), học sinh năm thứ 2 hệ trung cấp công nghệ ô tô cho biết: do được hưởng đầy đủ chế độ đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú nên em không còn lo lắng đến vấn đề tiền ăn, nơi ở, đi lại… mà chăm chú vào học và thực tập để nâng cao tay nghề. Hiện nay, cứ ngoài giờ học tại trường, em lại đi làm tại cơ sở sửa chữa ô tô; tuy chưa có thu nhập, nhưng đây là điều kiện tốt để nâng cao tay nghề và có thêm mối liên hệ với doanh nghiệp để làm nghề sau khi ra trường.
Cũng như em Cường, tốt nghiệp THPT và được cán bộ trường CĐ nghề tư vấn tuyển sinh, em Hoàng Văn Khôi (xã Xuất Lễ, Cao Lộc) không theo mọi người đi Trung Quốc làm thuê mà ra học trung cấp công nghệ ô tô. Em nói: “Đi Trung Quốc làm thuê như “đi đánh bạc”, có tiền song cũng gặp nhiều rủi ro, chi bằng đi học kiếm lấy cái nghề sẽ tốt hơn. Vả lại đi học được nhà nước nuôi ăn, ở, sinh hoạt miễn phí, khi về thăm nhà lại được cấp tiền đi đường… sự chăm lo chu đáo như vậy lẽ nào mình lại bỏ lỡ mất cơ hội…”.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên lớp Công nghệ ô tô cho rằng: kết quả từ sự hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh học nghề chính là “bà đỡ” cho những thanh niên dân tộc, con hộ nghèo trong việc xác lập nghề để tự thân phấn đấu.
Đối với các lớp nghề tại các trung tâm GDTX, nhà trường có sự hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ tiền xe di chuyển từ các huyện về nhà trường, hỗ trợ nơi ăn nghỉ để các em yên tâm học nâng cao và thực hành tại trường. Ngoài việc hỗ trợ trong học tập, thực tập, nhà trường đã có những phương án cụ thể để liên kết giới thiệu việc làm cho học sinh tại các doanh nghiệp trong nước cũng như đi thực tập sinh tại nước ngoài.
Với các giải pháp đó, năm học 2015-2016, nhà trường tuyển được trên 800 học sinh học 13 nghề hệ trung cấp- vượt 10% chỉ tiêu, trong đó có 70 học sinh nội trú và trên 730 học sinh học tại các trung tâm GDTX cấp huyện.
Cơ hội mới trong tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm học 2016-2017, Trường CĐ nghề Lạng Sơn đứng trước nhiều cơ hội. Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với HSSV học CĐ, trung cấp sẽ được thực hiện với mức trợ cấp học sinh cao hơn. Nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo hệ CĐ với 4 nghề: điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ điện nông thôn và chăn nuôi. Số học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào đại học thấp hơn năm 2015 và sẽ có nhiều học sinh tham gia học nghề. Những yếu tố đó sẽ là thuận lợi để nhà trường đạt và vượt chỉ tiêu 450 học sinh (trong đó có 120 học sinh hệ CĐ) trong năm học tới.
Ý kiến ()