Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn: Hơn 300 học sinh, sinh viên dự phiên tòa giả định tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường
– Sáng 19/10, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn phối hợp với chi đoàn các cơ quan: Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Sở Tư pháp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường.
Phiên tòa giả định xét xử bị cáo
Phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” đối với bị cáo Lương Thu Nguyệt, sinh năm 2006, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Trí Đức. Theo cáo trạng, quá trình học tập, một nhóm học sinh Trường THPT Trí Đức gồm: Hoàng Thảo Vân, Vũ Kiều Linh và Hoàng Thị Loan (đều sinh năm 2006) nhiều lần rủ nhau kiếm cớ gây sự để đánh Lương Thu Nguyệt (cùng lớp). Khoảng 9 giờ 40 phút ngày 12/5/2023, trong giờ giải lao sau tiết học, Vân, Loan và Linh gặp Nguyệt tại sân trường và tiến đến gây sự nhưng bảo vệ nhà trường đã phát hiện và can ngăn kịp thời.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn theo dõi phiên tòa giả định
Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, khi tan trường, nhóm Vân, Loan, Linh đã chặn đường Nguyệt để tiếp tục gây sự. Cụ thể, Vân, Loan, Linh đã kéo Nguyệt xuống xe và chửi bới, đánh, tát vào mặt và đòi xé áo, bắt Nguyệt quỳ xuống xin lỗi. Nhóm này còn lấy áo sơ mi trong giỏ xe đạp của Nguyệt ném xuống vũng bùn và đạp đổ xe của Nguyệt. Thấy vậy, Nguyệt rút chiếc ô màu đỏ đang gài phía sau xe vụt vào người Vân, phần đinh bằng sắt của chiếc ô trúng vào mắt phải của Vân. Hậu quả, mắt của Vân bị chảy máu phải đi viện cấp cứu. Theo kết quả giám định thương tích của cơ quan chức năng, Vân bị mù mắt phải, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 41%.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lương Thu Nguyệt 9 tháng cải tạo không giam giữ; giao bị cáo cho UBND nơi cư trú giám sát, giáo dục.
Kết thúc phiên tòa giả định, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn còn được tham gia phần hỏi – đáp tìm hiểu kiến thức pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tệ nạn xã hội; được xem trình chiếu video về phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Học sinh, sinh viên nhà trường tham gia phần hỏi – đáp tìm hiểu kiến thức pháp luật
Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên nhà trường, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Ý kiến ()