Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc: Đào tạo nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới
LSO-Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) giai đoạn 2010 -2020 đã được Bộ Trưởng phê duyệt.
LSO-Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) giai đoạn 2010 -2020 đã được Bộ Trưởng phê duyệt. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường đã xác định: đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần cung ứng nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại, bền vững.
Hướng dẫn học viên thực hành nghề gia công thiết kế sản phẩm mộc |
Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc nằm trên địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường cùng tập thể cán bộ, giáo viên nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức giảng dạy: học đi đôi với hành- đưa doanh nghiệp và người sử dụng lao động tham gia xây dựng nội dung đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo của trường. Hiện nay, nhà trường có 121 giáo viên đạt chuẩn, trong đó, số giáo viên trình độ tiến sĩ và thạc sĩ chiếm 23,5%, trực tiếp tham gia giảng dạy, gồm 9 nghề thuộc hệ cao đẳng, 14 nghề thuộc hệ trung cấp như: lâm sinh, thú y, gia công – thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật điêu khắc gỗ, công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, kế toán doanh nghiệp, quản lý cây xanh đô thị, khuyến nông lâm, cấp thoát nước, điện dân dụng, cơ điện nông thôn, vận hành máy thi công nền. Ngoài ra, nhà trường còn mở rộng quy mô đào tạo 37 nghề trình độ sơ cấp phục vụ cho LĐNT, với các nhóm nghề: lâm nghiệp; trồng trọt; chăn nuôi; thú y; chế biến lâm sản; cơ điện nông thôn; sửa chữa, lắp đặt điện – nước; sửa chữa ô tô – xe máy; vận hành máy xúc, ủi….Để công tác đào tạo nghề chính quy và dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả cao, trường đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo tập trung tại trường và liên kết đào tạo tại một số địa phương cho các đối tượng có nhu cầu học nghề. Kết quả tổng số 1.931 học sinh, sinh viên (HSSV) đã tốt nghiệp năm học 2012-2013 thì có 126 sinh viên hệ cao đẳng nghề, 579 học sinh hệ trung cấp và 1.226 học viên hệ sơ cấp, trong số đó có 42 sinh viên hệ cao đẳng nghề Lâm sinh là cán bộ công chức các xã của tỉnh Lạng Sơn. Đây là những hạt nhân tích cực, về địa phương sẽ phát huy kiến thức đã học, vận dụng vào phát triển sản xuất, góp phần xây dựng NTM.
Song song với việc thực hiện đào tạo nghề theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc còn đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, trong 8 tháng đầu năm 2013 nhà trường đã tổ chức đào tạo được 690 LĐNT thuộc các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Yên Bái và Phú Thọ gồm các nghề: trồng chè; trồng lúa năng suất cao; trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su và 390 LĐNT của tỉnh Lạng Sơn với các nghề: trồng rừng kinh tế; trồng nấm; chăn nuôi lợn, gà… Thông qua các chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy giảng dạy kết hợp với việc xây dựng các mô hình sản xuất ngay tại cộng đồng, địa phương đã đạt được kết quả thiết thực, nhờ đó, người học nghề dễ áp dụng ngay những kiến thức khoa học vào phát triển các mô hình kinh tế nông- lâm nghiệp, dịch vụ thú y, sửa chũa ô tô- xe máy, lắp đặt điện nước…nhiều mô hình đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Theo điều tra, khảo sát của nhà trường cho thấy, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm theo nghề đào tạo đạt trên 80%, một số nghề có tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm 100% như: vận hành máy thi công nền; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; công nghệ ô tô; điện công nghiệp. Hiện nay, nhà trường có đội ngũ giáo viên 100% trình độ chuyên môn đạt chuẩn, giáo trình giảng dạy được cập nhật, đổi mới thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đồng bộ đã cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo các nghề trọng điểm. Do đó, năm 2013, Nhà trường tiếp tục được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo 2 nghề cấp độ ASEAN (nghề Công nghệ ô tô; nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc) và 2 nghề cấp độ Quốc gia (nghề Lâm sinh; nghề Mộc xây dựng và trang trí nội thất); Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho Nhà trường đào tạo thêm 2 nghề trọng điểm là nghề Thú y (trọng điểm ASEAN) và nghề vận hành máy thi công nề (trọng điểm quốc gia).
Nghề thú y là một trong hai nghề trọng điểm ASEAN được Bộ NN&PTNT giao cho trường đào tạo |
Thầy giáo Nguyễn Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: để công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho LĐNT gắn với việc xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc đã xây dựng kế hoạch: tập trung đào tạo nghề nhằm phục vụ Chiến lược phát triển kinh -tế xã hội của địa phương. Coi trọng việc tạo việc làm mới bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chính quyền các địa phương, tổ chức tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề theo địa chỉ. Đặc biệt, chú trọng đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, để tạo nguồn nhân lực xây dựng NTM theo hướng hiện đại, bền vững.
THẾ BẢO
Ý kiến ()