Trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã: Ngày ấy, bây giờ
LSO-Nghe thì có vẻ xa xôi chứ ngày ấy cách đây cũng chỉ già hai năm, từ khi Lạng Sơn mới bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thế mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tâm, thế của các ông trưởng ban quản lý nông thôn mới cấp xã giờ đã khác lắm…
Cây cầu sức dân ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Nhân dịp có đoàn kiểm tra về xây dựng nông thôn mới do Phó Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh Lê Thị Thanh Nhàn làm Trưởng đoàn, cánh phóng viên chúng tôi có dịp đi hàng loạt xã điểm nông thôn mới của tỉnh. Có dịp đôi hồi với các vị trưởng ban quản lý cấp xã, được nghe, xem cái cách các vị ấy báo cáo trước đoàn kiểm tra… Và, chợt thấy ngỡ ngàng trước sự dạn dĩ, tự tin lẫn am tường về lĩnh vực nông thôn mới của các chủ tịch xã. Tâm, thế ấy trái ngược hoàn toàn so với cách đây hơn hai năm về trước.
Tháng 2/2011, Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai xây dựng nông thôn mới, lúc ấy có Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương tới dự. Ông gợi ý, để có cái nhìn cụ thể, bao quát về nông thôn mới, Lạng Sơn nên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm của các địa phương đi trước. Chỉ ít lâu sau, chuyến học tập kinh nghiệm của Ban chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn đã trực chỉ tới xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, một địa phương ngay liền kề với Hữu Lũng và là 1 trong 11 xã điểm xây dựng xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chuyến đi lần ấy đầy đủ cả Thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh, lãnh đạo các huyện và trưởng ban quản lý của 5 xã điểm. Trên đường đi đã nghe nhiều vị đã từng đến Tân Thịnh khen nắc nỏm đại ý nơi ấy họ làm tốt lắm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã tinh thông, am tường…nên nông thôn họ phát triển lắm. Mà đến nơi, tận mắt chứng kiến thì thấy sự phát triển ấy còn hơn cả những gì nghe kể và tưởng tượng, ngay cái trụ sở HĐND&UBND xã Tân Thịnh đã “nguy nga”, hoành tráng, nếu so sánh còn có phần hơn so với trụ sở UBND huyện của Lạng Sơn. Ngỡ ngàng hơn khi nghe ông Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý nông thôn mới xã Tân Thịnh diễn thuyết, không cần giấy tờ mà nói một mạch hơn tiếng đồng hồ với phong thái ung dung, tự tin. Mọi vấn đề, mọi ngóc ngách trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông nắm cả. Làm cánh phóng viên chúng tôi, ngồi chung cùng với các vị trưởng ban quản lý các xã điểm của tỉnh cứ xuýt xoa, thán phục mãi.
Cũng phải thôi, họ là xã điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, triển khai cả thời gian dài, rồi từ những địa phương như thế mới xây dựng nên bộ tiêu chí Quốc gia, làm gì các ông lãnh đạo xã chẳng am tường, lưu loát. Thế rồi nghe kể, đồng chí Trương Tấn Sang, khi ấy là Thường trực Ban Bí thư tháng nào cũng đến kiểm tra, xem xét và trực tiếp chỉ đạo, có đận tháng tới 2 lần. Thường xuyên được tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đất nước, chắc hẳn phong thái, tác phong của đội ngũ cán bộ cũng phải khác? Xã bạn đưa cho chúng tôi vài bộ tài liệu, trong ấy tôi chú ý đến vài con số trong đề án và khi thấy nguồn lực cần đến cả gần trăm tỷ đồng thì…hoảng hồn, số ấy ta lấy ở đâu ra?
Cả bữa cơm đến lúc ra về, tôi thấy nhiều nét ưu tư trên khuôn mặt của các trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới của những xã điểm. Tôi cũng vậy, nhưng khác là, tôi chỉ ưu tư một điều là chọn hướng nào để tuyên truyền đây, làm thế nào để đáp ứng được nhiệm vụ mà tòa soạn đã giao phó. Còn họ, các chủ tịch xã điểm, nỗi ưu tư của họ lớn hơn rất nhiều với cả ngàn câu hỏi “làm thế nào” mà nói như đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì ngay cả Ban chỉ đạo tỉnh bước đầu ấy còn lúng túng. Sau hành trình ấy, Ban chỉ đạo tỉnh đã họp, phân tích thảo luận và làm lộ diện những khó khăn. Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu (Bình Gia) Hoàng Đăng Phù nhắc lại phương châm của Ban chỉ đạo tỉnh mà giờ đã như sợi chỉ đỏ xuyên suốt: “Đây là chương trình lớn, là cuộc cách mạng, cuộc vận động toàn xã hội, trong đó người dân là chủ thể, không nóng vội và cũng không được buông xuôi”. Chính cái phương châm xuyên suốt ấy đã giúp cho các cán bộ chủ chốt của cấp xã thoát ra được cái choáng ngợp ban đầu và những so sánh khập khiễng, hình thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị và biến thành ý chí của toàn dân. Từng xã, từng xã bắt đầu triển khai, kế hoạch đã chi tiết và những tiêu chí đầu tiên bắt đầu hoàn thiện, những tiêu chí mới được xác định kèm theo cả hệ thống giải pháp. Ấy là nền tảng để Ban chỉ đạo tỉnh phấn đấu xây dựng kế hoạch đến năm 2015, Lạng Sơn có 35 xã cơ bản hoàn thành nông thôn mới. Trong đó các xã điểm của tỉnh phấn đấu về đích trước thời hạn. Thoạt nghe 35/207 xã hoàn thành nông thôn mới, chiếm có 17% tổng số xã, chẳng nhiều nhặn gì nhưng nếu phân tích đầy đủ những khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới như Lạng Sơn thì đây là cả thách thức lớn lao.
Thách thức lớn, khó khăn còn nhiều nhưng trong đợt kiểm tra của cơ quan thường trực về xây dựng nông thôn mới vừa qua những nét tự tin đã hiện hữu ở cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương. Phong thái, cách báo cáo, sự am tường… đã khác hẳn. Có làm, có thực tế, có quyết tâm, hình ảnh của họ chẳng mấy khác biệt so với cán bộ của xã điểm Tân Thịnh năm nào. Mà hẳn ở vùng khó khăn như Lạng Sơn để có được điều đó thì còn phải nỗ lực, quyết tâm hơn. Vẫn biết nông thôn mới là sự nghiệp toàn dân nhưng cũng có những dấu ấn cá nhân quan trọng của từng cán bộ cấp xã, trong đó quan trọng nhất là thường trực Ban chỉ đạo và Ban quản lý. Điều ấy đã và đang có, ngày một nhiều hơn ở các địa phương trên địa bàn khẳng định niềm tin về nông thôn mới ở nơi địa đầu.
Ý kiến ()