Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Nhiều tín hiệu vui để chúng ta hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra
Phân tích rõ những mặt tích cực và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về kinh tế - xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đón được các cơ hội và bám sát sự chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, qua ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, kinh tế – xã hội Việt Nam đạt được những thành tựu nào đáng chú ý ?
Đ/c Vương Đình Huệ:Trong ba năm vừa qua, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã hết sức nỗ lực để thực hiện theo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về những quyết sách về kinh tế – xã hội đúng đắn và phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới và tình hình thực tiễn của đất nước. Những kết quả đó được nhìn nhận ở ba điểm then chốt:
|
Đồng chí Vương Đình Huệ |
Điểm nhấn thứ nhất,đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Từ năm 2011, lạm phát lên đến 18,13%, sau đó dần dần đi xuống, năm sau thấp hơn năm trước. Đến thời điểm này, lạm phát chỉ còn hơn 6%, mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Đương nhiên, cũng có một số người cho rằng, lạm phát giảm là do tổng cầu yếu, nhưng thực sự nếu không có một chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đúng hướng thì Việt Nam không thể đạt được thành tích này, nhất là trong điều kiện chúng ta chịu nhiều tác động rất mạnh của các vấn đề lạm phát từ nhiều hướng, kể cả vấn đề chi phí đẩy, cầu kéo, lạm phát kỳ vọng… Thực tế, ngoài tác động của cầu kéo thì còn có chi phí đẩy, vì trước đây một số mặt hàng và dịch vụ công cơ bản bị neo ở mức thấp, giờ đây phải tiến tới thực hiện nguyên tắc giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước nên phải điều chỉnh lên. Có những thời điểm, sự phối hợp điều chỉnh về giá của chúng ta không phù hợp nên giá bị đẩy cao, tuy nhiên, sau đó chúng ta đã rút kinh nghiệm rất nhanh. Việc điều phối chính sách về giá không chỉ thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công thương, mà đã thành lập hẳn Ban Điều hành về giá của Chính phủ, do đó, sự phối hợp trở nên tốt hơn và kết quả kiềm chế lạm phát cũng tốt hơn.
Trong ba năm qua, tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của chúng ta đạt 5,6%. Năm nay đạt khoảng 5,42%, tuy chưa đạt kế hoạch 5,5% như đề ra nhưng đã cao hơn mức 5,25% của năm ngoái. Mức tăng trưởng như vậy là một sự cố gắng lớn trong bối cảnh chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Đi sâu vào những chỉ tiêu đã đạt được, có thể thấy rõ: lãi suất giảm mạnh, thanh khoản được cải thiện, xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, thu hút FDI, ODA trở thành những điểm sáng, cán cân thanh toán tổng thể rất khả quan, dự trữ ngoại hối tăng…
Điểm nhấn thứ hai,chúng ta đã triển khai khá toàn diện và đồng bộ các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế và đạt được những kết quả bước đầu. Trong tái cơ cấu nền kinh tế, Hội nghị Trung ương ba khóa XI vừa xác định một cách tổng thể, vừa xác định những khâu trọng tâm, đột phá. Rõ ràng, chúng ta đã tuân thủ được nguyên tắc này. Một mặt, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mặt khác cũng phê duyệt các đề án tái cấu trúc cụ thể, liên quan đến ba trọng tâm: đầu tư công; hệ thống ngân hàng; tập đoàn, doanh nghiệp mà trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015”. Sự ra đời của Ban chỉ đạo đã đáp ứng được yêu cầu phối hợp và thúc đẩy vấn đề tái cơ cấu trong lĩnh vực này.
Điểm nhấn thứ ba,trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn, chúng ta vẫn hết sức tập trung cho vấn đề an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cho an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội… Mỗi năm, ngân sách dành cho an sinh xã hội tăng khoảng 20 – 26%, năm nay tăng ít nhất cũng khoảng 21- 22%. Đây là một thành tích không thể phủ nhận và có thể xem là thành tựu quan trọng vì chúng ta đã thực hiện tốt ngay khi điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn ngặt nghèo.
Trong vấn đề ba đột phá chiến lược, chúng ta cũng thấy cũng đã có những điểm rất khác và mới so với trước đây. Sau khi Trung ương Đảng đã thông qua nghị quyết về khoa học công nghệ, ngay lập tức Quốc hội đã ban hành Luật khoa học công nghệ sửa đổi; Hội nghị Trung ương 8 đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đây là một trong những đề án rất tốt so với trước đây. Tất cả những điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc đột phá nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn còn những vấn đề hạn chế, yếu kém, cần được tiếp tục khắc phục. Một số chỉ tiêu quan trọng không đạt như: tăng trưởng GDP dù cao hơn năm trước nhưng chưa được như kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô phục hồi song chưa vững chắc; lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới; tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm và còn nhiều khó khăn; nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động…
PV: Thưa đồng chí, với các thành tựu đạt được như thế, chúng ta đã đạt được đúng yêu cầu, tiến độ so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra chưa?
Đ/c Vương Đình Huệ:Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng trở lại mục tiêu của Đại hội XI. Khi chúng ta xây dựng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội 5 năm để chuẩn bị cho Đại hội XI, lúc đó, đã xác định nhiều vấn đề, trong đó, có đặt ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 – 2015 là 7,0 – 7,5%.
Ngay sau Đại hội thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra với phạm vi, tác động mạnh và lan rộng gây ra hậu quả nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn mức mà chúng ta có thể dự báo. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có điều chỉnh. Khởi đầu là Nghị quyết 11 của Chính phủ, ban hành ngày 24/2/2011, chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Sau đó, tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị cũng xác định quan điểm chỉ đạo là: tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ GDP, chỉ tiêu này đã được điều chỉnh xuống còn 6,5 – 7%.
Bảy tháng sau đó, tại Hội nghị Trung ương ba, tháng 10/2011, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định sự đúng đắn của Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII, tháng 11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015, đặt ra mục tiêu: “Trong 2 – 3 năm đầu Kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…”.
Như vậy, đến nay, có thể thấy rằng những điều chỉnh đó đều là rất cần thiết, rất đúng hướng, mở đường cho chúng ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách của thời kỳ khủng hoảng và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế – xã hội của nước ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tất nhiên, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng XI, thì có một số chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, nhưng so với những gì mà chúng ta điều chỉnh, thì đã đạt được những thành tích rất căn bản, tích cực và đúng hướng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng vẫn giữ được ở mức hợp lý, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng và tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
PV: Thưa đồng chí, năm 2014, dự báo sẽ có những tín hiệu vui nào đối với nền kinh tế nước ta?
Đ/c Vương Đình Huệ:Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất lớn, bởi vậy cần phải có cái nhìn trên tổng thể tình hình kinh tế thế giới. Theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2014 của thế giới sẽ đạt khoảng 3,5 – 3,6%, cao hơn so với mức 2,9% của năm 2013. Dự báo này dựa trên một số điểm chính: các nền kinh tế lớn hàng đầu tiếp tục có tăng trưởng, ví dụ: Trung Quốc tăng trưởng khá cao, kinh tế Mỹ phục hồi khả quan, tăng trưởng cao hơn nhiều nước phát triển khác, khu vực Eurozone đã khắc phục khó khăn về nợ công, tiếp tục đà phục hồi tăng tưởng, châu Á vẫn tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động…; FDI, FII được dự báo đẩy mạnh hơn cùng chính sách kích thích tăng trưởng của các nước, giảm nợ công, đấu tranh chống bảo hộ mậu dịch, thất nghiệp…; thúc đẩy tăng trưởng gắn với đổi mới, mô hình phát triển được coi là chiến lược ưu tiên của nhiều nước…
Trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Bản thân chúng ta cũng đã có những động thái tích cực, như: kinh tế tiếp tục phục hồi và ổn định hơn, lạm phát kiềm chế, cán cân thương mại cơ bản là cân bằng, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang đi dần vào cuộc sống… Chúng ta cũng đang mong chờ những vấn đề về hội nhập quốc tế, ví dụ: việc ký kết đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu; tăng tốc cho hội nhập khu vực kinh tế ASEAN,… được hy vọng sẽ tạo ra những xung lực mới.
Mới đây, chúng ta đã có những cam kết tăng vốn ODA từ Nhật Bản dành cho các cơ sở hạ tầng và các dự án chương trình công nghiệp hóa. Cách thức triển khai cũng đã bắt đầu quyết liệt, dẫn vốn trúng, nhanh, đúng mục tiêu hơn. Tới đây, có thể chưa hy vọng một sự đột phá, nhưng chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng tốt hơn.
PV: Thưa đồng chí, với những tín hiệu lạc quan như vậy, liệu chúng ta có khả năng hoàn thành các mục tiêu Đại hội đã đề ra?
Đ/c Vương Đình Huệ:Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có cái nhìn tích cực hơn vì thực tế kinh tế Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện yếu tố về năng suất lao động tổng hợp, không chỉ là yếu tố vốn. Tất nhiên, yếu tố vốn là rất quan trọng nhưng việc bắt đầu xuất hiện yếu tố năng suất lao động tổng hợp đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Tôi có thể dẫn ra một số ví dụ, có những thời kỳ trước đây tín dụng tăng bình quân 36% một năm, có năm cao điểm như năm 2009 là trên 50% nhưng tăng trưởng chỉ đạt 6 – 7%; bây giờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng của chúng ta chỉ 12%, trải qua 11 tháng cũng chưa tăng đến 8% nhưng mức tăng trưởng đã đạt hơn 5,4%. Như vậy, rõ ràng chúng ta đã dẫn vốn nhanh hơn, đến đúng địa chỉ hơn và có hiệu quả hơn. Còn nhìn trực quan cũng có thể thấy rõ tiến độ các công trình hạ tầng và giao thông mấy năm gần đây đã nhanh hơn, ngay tại Hà Nội đã có nhiều cầu vượt được hoàn thành rất nhanh, đường vành đai 3, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình… Yếu tố năng suất lao động tổng hợp chính là một trong những cơ sở để tôi có niềm tin về những diễn biến tích cực hơn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới và đó là những cơ sở tốt, tín hiệu tốt để chúng ta có thể thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
Theo CPV
Ý kiến ()