Trước nguy cơ ô nhiễm
LSO-Cụm công nghiệp địa phương số 2 thuộc xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc đi vào hoạt động đã hơn 10 năm nay với khoảng 15 đơn vị doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đang có hiện tượng rác thải, nước thải ở các nhà máy tràn ra các vỉa hè gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cụm công nghiệp.
Rác thải tràn ra vỉa hè trục đường chính của Cụm công nghiệp địa phương số 2 |
Trong 15 doanh nghiệp có nhà máy, trụ sở tại Cụm công nghiệp địa phương số 2, đã có một số đơn vị đóng cửa ngừng hoạt động hoặc đầu tư dang dở để rêu mốc, cây cỏ mọc um tùm. Cùng với đó, dọc 2 bên vỉa hè trục đường trung tâm của cụm công nghiệp phát sinh khá nhiều rác thải do các nhà máy, xí nghiệp tập kết ra nhiều ngày nhưng chưa được xử lý.
Bà Trần Thị Hồng Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại H&T tại lô M5, Cụm công nghiệp địa phương số 2 cho biết: Thời gian gần đây, rất nhiều đất cát từ các công trình xây dựng lớn xung quanh cụm công nghiệp trôi ra các đoạn đường xung quanh. Trời mưa thì nhớp nháp bùn đất, trời nắng thì bụi mù. Đồng thời, nhiều đất, đá, rác thải đã dồn ứ ở các cống gây ách tắc, sau những trận mưa lớn là nước thải lênh láng trên đường.
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, hiện tại có một số đường dẫn nước thải của nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động chảy thẳng ra đường trục chính của cụm công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh. Ông Đinh Kỳ Giang, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời điểm Cụm công nghiệp địa phương số 2 được xây dựng và đi vào hoạt động chưa có quy định bắt buộc phải có trạm xử lý nước thải tập trung riêng của cụm, do vậy tất cả các đường dẫn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp đều xả trực tiếp ra cống mà chưa được xử lý. Hiện nay, các cụm công nghiệp khi xây dựng bắt buộc phải có trạm xử lý nước thải, tuy nhiên thời gian qua Cụm công nghiệp địa phương số 2 mới hoàn tất thủ tục bàn giao cho huyện Cao Lộc quản lý nên vấn đề này chưa được bàn tính đến.
Cũng theo phản ánh của công nhân và người lao động tại cụm công nghiệp, trong cụm có đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống như chân gà, chân lợn nhưng thiếu biện pháp xử lý về môi trường nên nhiều khi mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Ông Nguyễn Khắc Sơn, bảo vệ tại Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp chia sẻ: Vào những ngày đơn vị kinh doanh thực phẩm này hoạt động, đi cách hơn 100 m vẫn ngửi thấy mùi hôi thối khó chịu. Khi đó, nhiều công nhân ở các công ty lân cận phải bịt khẩu trang thì mới làm việc được.
Ngày 1/12/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, yêu cầu bảo vệ môi trường cụm công nghiệp từ khâu lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Cụ thể, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.
Khi nước ta đang hướng đến phát triển những khu, cụm công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường thì việc chỉnh trang lại cụm công nghiệp địa phương số 2 là cần thiết. Qua đó, góp phần tạo môi trường trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đồng thời tạo hình ảnh đẹp cho cụm công nghiệp của Lạng Sơn vốn đang rất ít ỏi.
YÊN SƠN
Ý kiến ()