Trùng tu đừng để biến dạng di tích
Thời gian qua, trên cả nước liên tục có những thông tin không vui về các di tích lịch sử, văn hóa bị lãng quên, xuống cấp, bị xâm hại, và phổ biến nhất là việc trùng tu làm biến dạng di tích.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục có những thông tin không vui về các di tích lịch sử, văn hóa bị lãng quên, xuống cấp, bị xâm hại, và phổ biến nhất là việc trùng tu làm biến dạng di tích.
Cả nước ta hiện có khoảng 40 nghìn di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có 23 di tích đặc biệt cấp quốc gia và hơn sáu nghìn di tích cấp tỉnh. Thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di tích (gần 1.200). Kế đến là các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Ninh Bình… và một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất, hoặc trên mặt đất, có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử. Di tích là hồn cốt, là tiếng nói của cha ông trao truyền cho các thế hệ. Vì vậy, phát triển và bảo vệ, tôn tạo di tích là công việc quan trọng, không bao giờ được xem nhẹ, lãng quên.
Một công việc quan trọng nhưng đang có nhiều vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội. Ðến đâu cũng nghe nói di tích này, di tích kia bị hoang tàn, rêu xanh, cỏ mọc. Ðến đâu cũng nghe nói người ta tu sửa, tôn tạo một cách tùy tiện, làm hỏng cả di tích. Chùa Trăm Gian hàng nghìn năm tuổi đã bị hủy hoại, các dãy hành lang được xây mới, đánh bóng cột kèo, gác khánh cổ kính bị đập nát, xây mới. Rồi Chùa Một Cột, làng cổ Ðường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Ðậu… đã và đang là điểm nóng của dư luận, đang được “khắc phục, sửa chữa” sai sót. Rồi di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam bị biến dạng bởi người ta tự ý xây bờ kè Suối Thẻ. Di tích văn hóa – tôn giáo Chùa Dơi ở Sóc Trăng bị nhiều loại hình dịch vụ bao quanh, mất hết vẻ tôn nghiêm, u tịch, khiến cho đàn dơi hàng nghìn con bám trên các cây sao lần lượt và lặng lẽ bay đi.
Không lãng quên các di tích là không lãng quên quá khứ, lịch sử văn hóa của dân tộc. Mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng không lo thiếu kinh phí để tôn tạo, sửa chữa, chỉ lo thiếu tầm nhìn, thiếu kiến thức và hiểu biết về việc làm sống lại các di tích, như nó vốn có.
Không để di tích bị xâm hại chỉ vì những động cơ xuất phát từ lợi ích của cá nhân, hay lợi ích cục bộ. Ở không ít nơi người ta đã quyết định đầu tư các công trình kinh tế, như khai thác mỏ, làm thủy điện, làm ảnh hưởng môi trường, làm hỏng các di tích.
Trùng tu không có nghĩa là làm mới, mất đi vẻ cổ kính, tôn nghiêm. Tháo dỡ để bảo tồn quyết không phải tháo dỡ để… bỏ đi. Những việc làm sai, tùy tiện không chỉ gây thiệt hại về tiền của, đối với các di tích khi đã mai một, biến dạng thì không bao giờ lấy lại được.
Hãy giữ gìn di tích văn hóa của cha ông. Hãy bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc bằng những việc làm đến nơi đến chốn, có bài bản, có tầm nhìn xa, làm đến đâu tốt đến đấy. Ðối với việc trùng tu chùa chiền, các di tích tôn giáo có thể xã hội hóa, chỉ cần có cơ chế, có sự vận động, tổ chức và quản lý tốt. Ðừng để việc trùng tu, tôn tạo là việc làm tự phát, khi mọi người biết tới thì… sự đã rồi. Ðừng để có thêm những trường hợp phải đình chỉ trùng tu, chỉ vì cách làm chắp vá, người trực tiếp trùng tu không làm đúng nguyên bản; chỉ vì sự quan liêu của chính quyền và những người làm công tác văn hóa. Giữ lại cho di tích tính nguyên gốc là đã góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()