Thứ 4, 06/11/2024 01:51 [(GMT +7)]
Trung thu nơi đỉnh núi
Thứ 3, 21/09/2010 | 14:57:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Mới ngoài mồng 10/8 âm lịch, các cháu học sinh 3 cấp trường Phổ thông cơ sở xã Công Sơn đã ngóng tết Trung thu. Câu chuyện của các “ trò nhí” trong những ngày này, chủ đề trung thu hầu như là chủ yếu. Các em kể về cái tết trung thu được phá cỗ với đủ các loại bánh kẹo và vui hơn cả là được rước đèn đi vòng quanh sân trường, tỏa ra những nẻo đường gập ghềnh đá sỏi.
Đồng chí hiệu trưởng trường PTCS Công Sơn cho chúng tôi biết, đã gắn bó nhiều năm với các trường vùng cao, song chưa bao giờ anh được ngắm cảnh rước đèn trông trăng đẹp và “ hoành tráng” như trung thu năm 2009 ở Công Sơn. Để có được niềm vui trung thu cho các em, các thầy cô giáo đã phải chuẩn bị ngay từ những ngày đầu của năm học mới. Không giống như các trường khu vực thị trấn, thị xã, công tác chuẩn bị cho trung thu ở đây vất vả và khó khăn hơn nhiều. Một mặt ban giám hiệu liên hệ với chính quyền địa phương, tổng phụ trách đội phối hợp với ban chấp hành đoàn xã để làm sao các cháu có được quà. Ngoài trường chính, với 6 phân trường lẻ tại các bản xa xôi, việc giáo viên từ phân trường ra trường chính để “ cõng” quà về cho học sinh của mình cũng là một vấn đề, vì làm sao để bánh không nát, “ có đủ” và không quên bất cứ cháu nào.
Với bàn tay khéo léo của các thầy cô giáo cộng với nguyên vật liệu “ có sẵn” nơi rừng núi, những chiếc đèn ông sao tự tạo với giấy bóng kính đủ màu sắc; những thứ đồ chơi đơn giản, rẻ tiền được gửi mua ngoài thành phố mang về đã đủ sức hấp dẫn đối với các cháu.
Đêm trung thu nơi đỉnh núi; vạn vật dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ nô giỡn với những đám mây vàng. Ngồi trên bãi cỏ nơi sân trường rộng rãi, cạnh khu lớp học khang trang sạch đẹp, không chỉ các cháu học sinh trong dự án “ nội trú dân nuôi” mà cả trẻ em và người lớn các thôn lân cận cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi ngắm ngôi trường 2 tầng đồ sộ dưới ánh trăng thu. Và tận trong tâm khảm của nông dân người Dao Công Sơn hầu như suốt cuộc đời chỉ gắn bó với dải nương khoảnh ruộng, thì sự hiện diện ngôi trường và niềm vui của con trẻ cũng cho họ những cảm nhận đặc biệt về sự quan tâm.
Muôn đời vẫn vậy, ánh trăng trên đỉnh núi dường như bao giờ cũng sáng hơn, trong hơn vì lớp không khí thật trong lành khiến ánh sáng không bị tán xạ. Lần lượt từng lớp xếp hàng nối đuôi nhau rước đèn. Lúc đầu chỉ là xung quanh sân trường, rồi dần ngược lên con đường chính, tỏa ra các nhánh đường nhỏ. Đường Công Sơn hầu như không có chỗ nào bằng phẳng mà chỉ có dốc và dốc; những bàn chân tuổi nhỏ nhưng đã chai sạn vì đá sỏi vẫn đều nhịp “ bám nhau”, tay giơ cao đèn ông sao, đèn con thỏ dưới ngọn nến lung linh đủ màu sắc. Khi dòng đèn xuống dốc, đứng trên ban công tầng 2 trông như một dòng thác nhỏ đỏ rực, thấp thoáng dưới những tán cây rừng; khi ngược dốc, nhìn như những chú đom đóm rừng cứ lập lòe ẩn hiện. Núi rừng tịch mịch, màn đêm khi thì như sẫm lại mỗi khi trăng lẩn vào đám mây, rồi lại bừng lên vằng vặc. Trăng vàng trên cao, đỉnh núi xa mờ, rừng cây đen thẫm…thiên nhiên như được trang trí một cách tự nhiên, trở thành một tấm phông vĩ đại, tôn lên “dòng lửa” mảnh mai nhưng đầy sức sống…
Mâm cỗ trông trăng tuy chưa được phong phú như các trường vùng ngoài, nhưng cũng thật rôm rả. Lãnh đạo xã, các ban ngành đoàn thể, nhà trường nhìn trăng rồi cùng bàn luận về công việc; phụ huynh vừa trông chừng lũ nhỏ, vừa dự đoán với nhau về mùa vụ năm nay…Lũ trẻ, nhiều cháu đã được dự trung thu tại trường chính và các phân trường thì mạnh bạo hơn, còn những cháu lần đầu tiên được vui đón trung thu thì còn ngượng ngùng, e thẹn.
Một năm đã qua, trung thu lại về, lại là sự toan lo của nhà trường và các đoàn thể. Do chủ động chuẩn bị, nên ngay từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch, huyện đoàn, Hội CTĐ huyện Cao Lộc đã chủ động liên hệ với ngành GD và với các ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tặng quà hỗ trợ trung thu cho trẻ em vùng cao. Trong các ngày 13 và 14 tháng 8 ÂL, Huyện ủy, HĐND, UBND, Huyện đoàn, Hội CTĐ, ngành GD Cao Lộc và các doanh nghiệp đã tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho thiếu nhi các xã vùng cao, vùng biên giới. Đơn vị nào do quá bận không đi được cũng có phần quà gửi tặng cho các cháu. Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, các nhà trường đã liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương dành một phần kinh phí hoặc huy động sự đóng góp để mua quà cho các cháu vui tết trung thu. “Của một đồng, công một nén”, với “ con đường mặt trăng” như đường Hợp Thành- Hải Yến- Cao Lâu, thì một phong bánh, gói kẹo không những là đồng tiền mà còn là công sức, sự “ vượt khó” của các cơ quan đơn vị. Và đêm hội trăng rằm của trẻ em vùng cao là “ cộng hưởng” của sự nỗ lực ở địa phương cùng sự nhọc nhằn của “ những chuyến xe bão táp”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()