Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN: Trăn trở với cơ chế tự chủ
LSO-Theo thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BKHCN-BTC-BNV, bắt đầu từ tháng 1/2014, tất cả các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (ƯDTBKH-CN) trên toàn quốc sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
LSO-Theo thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BKHCN-BTC-BNV, bắt đầu từ tháng 1/2014, tất cả các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (ƯDTBKH-CN) trên toàn quốc sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các nhà khoa học cho rằng, trên lý thuyết thì đây là cơ hội cho các trung tâm tạo sự chuyển biến về chất, tăng cường chủ động, linh hoạt để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế – xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, với thực lực hiện tại của Trung tâm ƯDTBKH-CN Lạng Sơn thì chưa thể tự chủ, thời điểm áp dụng cơ chế mới chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nhưng trung tâm vẫn còn quá nhiều vướng mắc và khó khăn chưa thể giải quyết.
Mô hình trồng hoa ly, một trong nhiều mô hình ứng dụng thành công của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN |
Theo báo cáo của Sở KH-CN Lạng Sơn, trong 2 năm, từ năm 2011 đến hết năm 2012, có hơn 40 đề tài và dự án đã được triển khai tại Trung tâm ƯDTBKH-CN, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, xử lý môi trường, vật liệu mới… Tổng kinh phí dành cho các đề tài, dự án được phê duyệt là hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành khoa học Lạng Sơn, hoạt động ứng dụng và chuyển giao của trung tâm hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Nguyên nhân chính của việc này là trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức triển khai các hoạt động; kinh phí hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa thu hút, khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách. Một nguyên nhân khác khiến Trung tâm ƯDTBKH-CN thời gian qua hoạt động chưa đạt được hiệu quả mong muốn, đó là thiếu trang thiết bị, hoặc thiết bị lạc hậu, không đồng bộ. Trung tâm còn thiếu các nguồn lực để thực hiện các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, thí điểm chuyển giao công nghệ; việc triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngoài ra, nguồn nhân lực của các trung tâm còn thiếu và yếu. Nguồn đầu tư tài chính cho trung tâm cũng luôn không ổn định.
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm ƯDTBKH-CN Lạng Sơn cho biết, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở KH-CN, thời gian qua, trung tâm đã tập trung nghiên cứu mạnh về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, một số dự án khi đưa vào ứng dụng đã làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ của Sở KH-CN giao, trung tâm cũng đã nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng một số loại cây đặc sản của địa phương như: quýt, lê, hồng… Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã nghiên cứu, phát triển và chuyển giao thành công giống khoai tây sạch bệnh, năng suất cao; trồng khảo nghiệm một số giống lúa lai, ngô lai cho năng suất cao. Đặc biệt, Trung tâm đã nghiên cứu, phát triển và đưa vào trồng thành công một số giống cây ăn quả mới như: nho, dưa vàng, chuối tiêu… Tuy vậy, theo ông Tiến, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện còn gặp nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân là do trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều; sự bảo thủ trong tập quán canh tác của bà con nông dân cũng làm cản trở việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào cuộc sống. Phần khác là do thực lực hiện tại của trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính chưa rõ ràng, chưa có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, có kinh nghiệm yên tâm công tác. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khoa học của trung tâm.
Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn – Lương Đăng Ninh cho biết, theo quy định, mỗi năm, mức đầu tư cho KH-CN chiếm 2% tổng chi ngân sách, nhưng do tỉnh còn nhiều khó khăn nên hiện tại mức đầu tư hàng năm cho khoa học trên địa bàn của tỉnh mới chỉ vào khoảng 0,6% (khoảng 23 tỷ đồng/năm), trong số này một nửa đã phải dành cho nguồn sự nghiệp khoa học, một nửa còn lại đầu tư cho nguồn đầu tư phát triển sự nghiệp khoa học. Do kinh phí được cấp hạn chế nên số lượng dự án, đề tài nghiên cứu trong thời gian qua cũng không nhiều và chưa trải rộng trên các lĩnh vực. Quy định cơ chế tự chủ cho các Trung tâm ƯDTBKH-CN hiện tại chưa đồng nhất, vì tiềm lực, thực trạng của mỗi trung tâm ở các địa phương là khác nhau. Các trung tâm trực thuộc bộ, trực thuộc trung ương thì “lực” của họ đã mạnh nên đối diện với cơ chế tự chủ một cách thoải mái hơn. Còn đối với trung tâm trực thuộc địa phương, cụ thể là Trung tâm ƯDTBKH-CN Lạng Sơn, nếu ngay từ đầu năm mà “bắt” họ phải thực hiện ngay cơ chế tự chủ 100% về kinh phí thì chắc chắn đơn vị sẽ không thể thực hiện được. Ngoài ra, vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của các trung tâm ứng dụng trong hệ thống khoa học là khác nhau. Nếu nói chức năng của trung tâm này là ứng dụng, vậy ứng dụng của trung tâm có điểm khác gì so với ứng dụng ở chỗ khác, bởi có rất nhiều hệ thống khuyến nông, khuyến công,… cũng làm ứng dụng. Hiện ngành khoa học tỉnh đã có văn bản kiến nghị với Bộ KH&CN về việc thực hiện cơ chế tự chủ, theo đó, bước đầu nên quy định “tự chủ 50%” – tức là, đối với các trung tâm thuộc địa phương thì bước đầu thực hiện tự chủ 50%, còn 50% kinh phí vẫn của nhà nước.
Tự chủ là để tăng hiệu quả hoạt động các trung tâm ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật ở các địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, Trung tâm ƯDTBKH-CN Lạng Sơn sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()