Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Bước đột phá trong xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại
– Thực hiện cơ chế “một cửa” là một trong những yêu cầu bắt buộc trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), qua đó giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, không phải đi đến nhiều nơi để liên hệ giải quyết công việc. Để đáp ứng điều này, năm 2018, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Đây được xem là bước đột phá trong triển khai cơ chế “một cửa” nói riêng và xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại nói chung của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trả kết quả hồ sơ TTHC lĩnh vực bảo hiểm xã hội cho người dân
Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 20/11/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2019. Trung tâm là đơn vị hành chính đặc thù, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Văn phòng UBND tỉnh, hoạt động theo cơ chế “tiếp nhận, phối hợp giải quyết và trả kết quả TTHC”. Hiện tại, Trung tâm có Ban lãnh đạo và 2 phòng nghiệp vụ, với tổng số 34 công chức, viên chức, người lao động, trong đó bao gồm cả công chức, viên chức của các sở, ngành được cử đến làm việc.
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Theo các quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại có 1.249 TTHC thực hiện tại Trung tâm PVHCC tỉnh (trong đó: 1.191 TTHC của 16 sở, ban, ngành; 25 TTHC của BHXH tỉnh; 14 TTHC của Công an tỉnh; 19 TTHC của Công ty Điện lực Lạng Sơn). Từ khi thành lập đến nay, trung tâm luôn bám sát phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC làm thước đo chất lượng phục vụ” từ đó tạo thống nhất từ nhận thức đến triển khai các nhiệm vụ đề ra.
Ông Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh cho biết: Sự ra đời của Trung tâm PVHCC không chỉ khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ngành mà còn đem lại thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Ở đây tập hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và giải quyết TTHC theo quy trình khép kín. Cán bộ được làm việc với điều kiện tốt nhất với hệ thống trang thiết bị hiện đại; tổ chức, cá nhân được tạo thuận lợi tối đa khi thực hiện TTHC.
Bên cạnh đó, để giúp người dân thuận tiện, không phải đi lại nhiều lần khi thực hiện TTHC, trung tâm đã tham mưu Văn phòng UBND tỉnh xây dựng và ban hành phương án từng bước “tổ chức thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh” (4 tại chỗ). Văn phòng UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đưa ra giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” tại trung tâm. Đồng thời, trung tâm cùng các sở, ngành quán triệt, hướng dẫn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ chuyên môn, công chức “một cửa” về ý nghĩa và quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”. Trung tâm cũng đã cân đối, bố trí 1 phòng làm việc rộng hơn 30 m2 và 4 bộ máy tính cùng các cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ việc giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”. Hiện nay, trung tâm có 396 TTHC thuộc thẩm quyền của 16 sở, ngành thực hiện “4 tại chỗ”, đạt 32,49%; từ năm 2018 đến nay đã có 71.126 hồ sơ TTHC thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ” tại đây.
Song song với đó, xác định con người là yếu tố tiên quyết trong cải cách TTHC, Trung tâm PVHCC đặc biệt chú trọng xây dựng hình ảnh công chức tiếp nhận chuyên nghiệp, trách nhiệm. Theo đó, trung tâm đã tham mưu Văn phòng UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị lựa chọn, lập danh sách công chức có chuyên môn, trình độ vững để trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định, đồng thời thường xuyên tiến hành kiện toàn khi có thay đổi; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận và trả kết quả (trung bình mỗi năm 1 lần tùy tình hình thực tế); tuyên truyền, quán triệt đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành về thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp khi làm việc với người dân, doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Công chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Trung tâm PVHCC cho biết: Những năm qua, trung tâm luôn duy trì việc tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức. Qua đây, bản thân tôi luôn ý thức được trách nhiệm của một công chức giải quyết TTHC, tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân. Đặc biệt, khi người dân, doanh nghiệp có những vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ TTHC, tôi luôn giúp đỡ, hướng dẫn để được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai mạnh mẽ các phần mềm hỗ trợ công việc, công tác chuyên môn và chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc đầy đủ nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC và cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC. Tính đến nay, trung tâm đang triển khai hiệu quả một số phần mềm hỗ trợ giải quyết TTHC như: hệ thống lấy số tự động, thanh toán thu phí, lệ phí thực hiện TTHC, đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức… Đặc biệt, trung tâm đã đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử tỉnh; trang bị 4 máy tính, 4 máy scan, 2 máy in đặt gần khu vực niêm yết TTHC nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến; chỉ đạo đội ngũ công chức “một cửa” khuyến khích, vận động, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến. Tính riêng từ năm 2018 đến nay, trung tâm có 315.494 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên tổng số 521.756 hồ sơ đã tiếp nhận, chiếm 60,46%.
Những thành quả xứng đáng
Với những giải pháp đã triển khai cùng sự nỗ lực của cán bộ, công chức, từ khi thành lập đến nay, trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Trung tâm PVHCC tỉnh đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào thành tích chung của tỉnh về cải cách TTHC. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 521.756 hồ sơ; đã giải quyết 509.560 hồ sơ, trong đó, có 509.254 hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,9%, còn 306 hồ sơ quá hạn, chiếm 0,06%.
Các hồ sơ TTHC tiếp nhận qua trung tâm đều được xử lý, giải quyết theo đúng quy trình, quy định; 100% TTHC được tiếp nhận tại trung tâm đều được cán bộ, công chức cập nhật, xử lý trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Các hồ sơ TTHC đều được kịp thời chuyển cho cơ quan chuyên môn xử lý, đảm bảo về tiến độ về giải quyết TTHC chung của tỉnh. Với những hồ sơ chưa đủ hoặc không đủ điều kiện, trung tâm đều đôn đốc các cơ quan, đơn vị ban hành văn bản trả lời và kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Qua khảo sát đánh giá mức độ hài lòng, trong 5 năm qua, Trung tâm đã có 30.468 lượt cá nhân, tổ chức đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức làm việc tại đây, trong đó, có 29.266 lượt đánh giá rất hài lòng; 1.202 lượt đánh giá hài lòng; không có đánh giá không hài lòng. Đặc biệt, tính đến nay, trung tâm chưa nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị nào của cá nhân, tổ chức đóng góp trực tiếp tại trung tâm hoặc qua đường dây nóng, hộp thư công vụ và fanpage mạng xã hội về hoạt động của trung tâm.
Ông Nguyễn Hồng Quang, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, khi chưa có Trung tâm PVHCC, tôi thực hiện TTHC hết sức vất vả, bất tiện vì phải qua rất nhiều khâu, đến rất nhiều cửa. Từ khi trung tâm hoạt động, tôi chỉ cần đến một cửa duy nhất. Vậy nên khi có nhu cầu làm giấy tờ, hồ sơ, tôi đều đến đây, được cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Mỗi lần thực hiện xong, tôi đều đánh giá mức độ rất hài lòng.
Như vậy, có thể khẳng định, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm PVHCC tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực, là bước đột phá trong xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, qua đó tạo nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác cải cách TTHC của tỉnh. Thời gian tới, Trung tâm PVHCC tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả giải TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo đúng quy định, đảm bảo tiến độ; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, khẳng định vai trò là một đơn vị kiểu mẫu trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()