Trung tâm Khuyến nông: Ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn
(LSO) – Với nhiệm vụ tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và từng bước áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Đầu năm 2019, gia đình ông Hoàng Văn Thức, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia định bán con bò đã già của gia đình với giá 12 triệu đồng cho thương lái vì khả năng cày, kéo đã giảm. Khi biết đến mô hình vỗ béo trâu bò, ông Thức đã giữ lại bò để chăm sóc theo hướng dẫn của khuyến nông huyện. Sau 3 tháng chăm sóc, trọng lượng của bò tăng đáng kể, ông suất bán với giá 24 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ cách vỗ béo trâu bò, nhiều nông dân tại các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng, Chi Lăng, Tràng Định đã chủ động học tập và nhân rộng. Năm 2018, đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vỗ béo trâu bò để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được Hội đồng Khoa học kỹ thuật tỉnh nghiệm thu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình để các hộ chăn nuôi trâu bò học tập, nhân rộng.
Nông dân xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng Bảo Lâm
Đó chỉ là một trong số những đề tài nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với vai trò là đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh coi việc xây dựng các mô hình theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, nhằm hướng dẫn, giới thiệu với nông dân những cách làm hay trong sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã triển khai 10 mô hình từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương và nguồn thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất. Cụ thể như: mở rộng mô hình thâm canh quýt theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Nam Hồng, huyện bắc Sơn với quy mô 17 ha; mô hình vỗ béo trâu thịt trong nông hộ với quy mô 120 con tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định với 44 hộ tham gia; mô hình trồng mới hồng không hạt Bảo Lâm tại huyện cao Lộc quy mô 5 ha với 20 hộ tham gia; mô hình phát triển chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học; phát triển phong trào nuôi cá lồng; mở rộng dự án trồng xoài ăn xanh; sử dụng phân bón hữu cơ HUDAVIL trên 10 loại cây trồng tại tỉnh Lạng Sơn; phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn… Các mô hình đều đang được triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân.
Ông Lý Văn Đạo, Trưởng Phòng Kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Các mô hình được lựa chọn triển khai đều là kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng. Đặc biệt, các mô hình đều tập trung vào cây trồng, vật nuôi chủ lực, là thế mạnh của địa phương, quy trình sản xuất, thâm canh theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Mỗi hộ nông dân được lựa chọn tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thức ăn chăn nuôi… Chính vì vậy, các mô hình luôn được nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, tham gia.
Do chọn lọc mô hình từ những nghiên cứu đã thành công kết hợp với xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của các huyện nên các mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ những mô hình này, nông dân trên địa bàn tỉnh có thể học tập, lựa chọn mô hình phù hợp ứng dụng linh hoạt vào quy mô hộ gia đình để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ý kiến ()