Trung tâm học tập cộng đồng ở Lộc Bình: Nỗ lực vượt khó nâng cao chất lượng hoạt động
– Thời gian qua, khắc phục những khó khăn thực tại, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn huyện Lộc Bình đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với nhiệm vụ phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, thời gian qua, các TTHTCĐ trên địa bàn huyện Lộc Bình đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của Nhân dân. Song trải qua nhiều năm hoạt động, các TTHTCĐ ở huyện gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, trong số 21 trung tâm thì hầu hết chưa có trụ sở riêng, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất hiện có của xã như: hội trường, nhà văn hóa xã làm nơi triển khai hoạt động dạy và học. Hơn nữa, kinh phí chi cho các trung tâm hoạt động rất ít, chỉ dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/trung tâm nên các trung tâm không đủ kinh phí mua sắm tài liệu và trang thiết bị…
Người dân tham gia học tập tại TTHTCĐ xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình
Bà Nông Thị Thu, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình cho biết: Trước những khó khăn đó, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn. Cụ thể là thường xuyên củng cố, kiện toàn ban giám đốc các TTHTCĐ; sử dụng giáo viên bán truyên trách từ các ngành nghề để giảng dạy kiến thức cho học viên; tiến hành dạy kiến thức phù hợp theo nhu cầu của người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảo kinh phí tổ chức lớp học, phổ biến được nhiều kiến thức đến người dân, thời gian qua, các TTHTCĐ xã đã linh hoạt phối hợp với các đoàn thể xã lồng ghép mở các lớp, chuyên đề học tập tại trung tâm. Bà Hoàng Thị Giang, Giám đốc TTHTCĐ xã Yên Khoái cho biết: Bằng việc phối hợp như vậy, TTHTCĐ xã phối hợp với các đoàn thể xã mở được 45 lớp tập huấn, chuyên đề, huy động được trên 2.000 học viên tham gia học/năm. Qua đó, đảm bảo duy trì và hoạt động hiệu quả của trung tâm, giúp trung tâm trở thành nơi sinh hoạt hữu ích của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Cùng với đó, thời gian qua, các TTHTCĐ ở huyện đã đa dạng đối tượng triển khai kiến thức, có thể là giáo viên, cán bộ khuyến nông có trình độ chuyên môn cao hoặc có khi lại là nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất… Hơn nữa, việc dạy và học được triển khai theo cách “cầm tay chỉ việc” gắn với thực hành tại từng mô hình cụ thể (rừng, ruộng, chuồng trại, các gia đình…). Hoặc các trung tâm khuyến khích học viên cách tự học, tra cứu thông tin, kiến thức từ sách, tài liệu tại tủ sách TTHTCĐ, mạng internet… Cô Vi Thị Minh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hữu Lân, giáo viên bán chuyên trách tại TTHTCĐ xã chia sẻ: Sau khi khảo sát nhu cầu học của người dân, tôi đã xây dựng kế hoạch mở lớp (chủ yếu về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và trồng rừng) theo nhu cầu của người dân với số lượng khoảng 40 lớp đến trên 2.000 lượt người/năm. Bằng phương pháp dạy lý thuyết gắn với thực hành, những năm qua, nhiều người dân đã áp dụng thành công, hiệu quả kiến thức vào mô hình phát triển kinh tế gia đình.
Với những cách làm trên, qua đánh giá, trong tổng số 21 TTHTCĐ, năm 2020, toàn huyện có 14,3% trung tâm được xếp loại xuất sắc (tăng 10,9% so với năm 2019), 47,6% trung tâm được xếp loại tốt (tăng 13,1% so với năm 2019). Dự kiến năm 2021, toàn huyện có 66,7% trung tâm xếp loại từ tốt trở lên (tăng 4,8% so với năm 2020), còn lại là các trung tâm hoạt động khá, không có trung tâm yếu kém.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, thời gian tới, cơ quan chức năng huyện Lộc Bình cùng với việc tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí cơ sở vật chất và bổ sung kinh phí, trang thiết bị, tài liệu cho các TTHTCĐ còn tích cực chỉ đạo, duy trì tốt các hoạt động để các TTHTCĐ trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ý kiến ()