Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Cao Lộc: Đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới
(LSO) – Là một thiết chế giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mang tính “mở” ở một huyện miền núi biên giới, trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – giáo dục thường xuyên ( GDTX) Cao Lộc đã có nhiều đóng góp để huyện nâng cao chất lượng các tiêu chí; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao năng lực của người dân
Giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề “nuôi con gì, trồng cây gì” để có thu nhập luôn là câu hỏi lớn và là sự trăn trở của người dân không chỉ ở vùng khó khăn, mà cả ở những vùng thuận lợi của huyện Cao Lộc. Mặt khác, Cao Lộc là một huyện ở vị trí trung tâm của tỉnh, đang trên đà công nghiệp hóa – hiện đại hóa với những khu, cụm công nghiệp lớn đang mở ra, nhưng tỷ lệ lao động, nhất là lao động trẻ chưa được đào tạo, thiếu việc làm còn rất lớn. Hiểu sự khao khát của người dân, nắm bắt được nguyện vọng của họ, triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, trung tâm đã phối hợp với Phòng LĐ-TBXH, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; UBND các xã, thị trấn; các tổ chức chính trị xã hội như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… của huyện trong tuyên truyền, huy động, mở lớp dạy nghề theo tinh thần “bà con muốn học gì, trung tâm dạy cái đó”. Từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã tổ chức 31 lớp dạy nghề nông thôn với hơn 1.000 học viên, tập trung vào các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nghề: thủ công và các ngành nghề sửa chữa máy nông nghiệp, may mặc, điện nước. Riêng năm 2019, trung tâm đã đào tạo được 8 lớp với 278 học viên được cấp chứng nhận nghề. Theo điều tra, có 70 – 80% học viên áp dụng kiến thức đã được học để tự tạo việc làm trong nông nghiệp và phi nông nghiệp; đổi mới phương thức trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Học viên lớp Trung cấp nghề Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn
Học hết lớp 9 năm 2015, em Hoàng Trung Hiếu (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) không thi vào cấp THPT hệ chính quy mà đăng ký vào học hệ GDTX tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Với hình thức vừa học văn hóa vừa học nghề, sau 3 năm, em đã có 2 bằng tốt nghiệp (THPT và trung cấp nghề bảo trì vận hành thiết bị lạnh). Xin vào làm tại một công ty khu vực thành phố với mức lượng 8 triệu đồng/tháng, em đã có tiền đóng góp cho gia đình và tiết kiệm được một khoản vốn để chuẩn bị mở cửa hàng sửa chữa điện lạnh của riêng mình. Em tâm sự: Với quyết định được coi là khá “ táo bạo”, em đã tiết kiệm được 3 năm. Ba năm của tuổi trẻ là cơ hội để rút ngắn chặng đường lập thân lập nghiệp”. Bằng uy tín và sự năng động; với sự liên kết chặt, có trách nhiệm của trung tâm với 5 trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, từ năm 2015 đến nay, số học viên học theo hình thức “ 2 trong 1” tại Trung tâm GDNN-GDTX là 1.511 em; riêng năm 2019 đã lên tới 671 em, cao nhất toàn tỉnh.
Góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Xét về bản chất, xây dựng nông thôn mới không chỉ là thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, theo hướng hiện đại, mà còn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Thành công của từng hợp phần trong xây dựng nông thôn mới phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, những người thực hiện “vận hành” nông thôn mới. Tuy nhiên, trong những năm đầu thực hiện, cũng như nhiều huyện miền núi biên giới, trình độ, nhất là trình độ văn hóa của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã còn nhiều bất cập, có người chỉ tốt nghiệp lớp 7 (hệ 10 năm) hoặc lớp 9… cùng với đó, những kiến thức của đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn như: tư pháp, văn hóa xã hội, địa chính, thống kê… thấp, trình độ tin học hầu như là con số 0. Nắm được vấn đề này, trong những năm đầu tiến hành xây dựng nông thôn mới, Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc đã mở rộng đối tượng tuyển sinh học văn hóa THPT, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong đội ngũ cán bộ, công chức xã. Với hình thức vừa học vừa làm, “ hổng” đâu “ bù” đấy, đến năm 2016, với hàng chục cán bộ xã dự thi THPT quốc gia và được công nhận tốt nghiệp, hàng trăm cán bộ chuyên môn hoàn thành và được cấp chứng chỉ tin học, trung cấp chuyên môn… năng lực của đội ngũ đã được cải thiện và từng bước nâng lên.
Đổi mới tư duy và tích lũy kinh nghiệm của lớp cán bộ cũ cộng với tư duy mới, năng động mới của lớp cán bộ trẻ, công tác xây dựng nông thôn mới ở Cao Lộc đã được nâng lên về chất. Hiện huyện đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hải Yến, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu tại 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như “ Rau Cao Lộc”, “Chanh rừng Mẫu Sơn”… Đến cuối tháng 11/2019, huyện Cao Lộc đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí, có 5 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, có 12 xã đạt từ 6 – 9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 6 tiêu chí. Đặc biệt, đối với 2 tiêu chí về giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14), huyện Cao Lộc nổi lên như một điển hình về xây dựng thiết chế cho giáo dục và dạy nghề cho người lao động. Đóng góp lớn lao của Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc cho huyện là trong tình trạng cấp THPT hệ chính quy phát triển còn ở mức độ, thì việc nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên (học bổ túc THPT và học nghề) đã đạt trên 90%. Cao Lộc là một trong những huyện có tỷ lệ lao động qua đào tạo thuộc diện cao trong toàn tỉnh.
Đánh giá cao công tác dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn của trung tâm, ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Cao Lộc khẳng định: “Trung tâm đã có những đóng góp lớn vào việc nâng cao chất lượng tiêu chí 14 – tiêu chí quan trọng hình thành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để công tác xây dựng nông thôn mới của huyện tiến từng bước vững chắc”.
Nói về công tác đào tạo nghề cho người lao động, bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm cho rằng: Bằng các hình thức khác nhau, trung tâm không chỉ dạy nghề cho người lao động mà cao hơn còn bồi dưỡng cho thanh niên nông thôn tư duy về phát triển kinh tế theo tính chất “ly nông, không ly hương”; hình thành tinh thần “khởi nghiệp” cho lớp trẻ, những người trực tiếp xây dựng và làm chủ nông thôn mới.
Ý kiến ()